Hơn 60% các doanh nghiệp điện tử vi phạm quy định về làm thêm giờ
Đời sống - Ngày đăng : 22:29, 31/01/2018
Ảnh minh họa. |
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 31-1 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, qua thanh tra 216 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.798 sai phạm, bình quân một doanh nghiệp phát hiện 8 sai phạm.
Đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 27 doanh nghiệp và báo cáo người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt hành chính, tổng số tiền xử phạt hành chính là 1,418 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, những sai phạm thường gặp của doanh nghiệp điện tử gồm: Nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và lao động; không thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 3 tháng/lần; không thống kê số lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc huấn luyện không đầy đủ; không lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động…
Ông Nguyễn Tiến Tùng nêu rõ: “Tất cả các doanh nghiệp điện tử đều có làm thêm giờ, trong đó có khoảng hơn 60% doanh nghiệp vi phạm quy định về làm thêm giờ. Do đặc trưng của ngành điện tử làm theo đơn hàng nên có lúc thì rất nhàn rỗi không có việc, lúc thì làm cấp tập”.
Liên quan đến vấn đề làm thêm giờ tại các doanh nghiệp điện tử, qua thanh tra đã phát hiện, ngoài làm thêm quá thời gian quy định, các chế độ làm thêm giờ tại nhiều doanh nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ như trả lương không đủ hay chế độ ăn ca chưa đảm bảo...
“Việc làm thêm giờ khiến nhiều lao động bị kiệt sức, do đó chủ sử dụng lao động cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này”, ông Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh sai phạm của người sử dụng lao động, người lao động làm việc tại 26 doanh nghiệp trong tổng số 216 doanh nghiệp được thanh tra cũng chưa sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát khi thực hiện công việc.
Bộ LĐ-TB&XH xác định năm 2017 là năm thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực điện tử. Những sai phạm thường gặp trong lĩnh vực điện tử đã được công khai trên báo chí, truyền thông để các doanh nghiệp khắc phục trong thời gian tới. Năm 2018, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thanh tra vi phạm an toàn trong khai thác khoáng sản cho sản xuất xây dựng.