Nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 08:18, 31/01/2018

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Việt Nam nghiên cứu đường sắt tốc độ cao rồi mới nâng dần thành đường sắt cao tốc có tốc độ như tàu Shinkansen của Nhật Bản -Ảnh: TUẤN PHÙNG


Theo văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa được Văn phòng Chính phủ gửi hai Bộ nói trên vào ngày 30-1, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Báo cáo này bao gồm cả đánh giá tác động môi trường của dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 8-1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, tập trung nghiên cứu một số đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang để báo cáo Chính phủ thống nhất báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội nhằm chuẩn bị nguồn lực có thể đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng theo khả năng huy động vốn.

Phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu là làm đường đôi khổ 1,435m, từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Đến năm 2030, sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1,435m, điện khí hóa (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 đến dưới 200 km/h), hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao 350km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Theo Tuổi Trẻ