Sớm hoàn thiện mạng lưới cao tốc ở Nam Bộ

Giao thông - Ngày đăng : 07:37, 02/09/2022

(HNM) - Nhiều địa phương phía Nam đang khẩn trương triển khai các dự án đường bộ cao tốc liên tỉnh. Từ chỗ chỉ có hơn 150km đường cao tốc với 2 tuyến từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đông và Tây Nam Bộ, sắp tới khu vực Nam Bộ sẽ có một mạng lưới đường cao tốc trên các trục dọc, ngang hoàn chỉnh, kết nối toàn vùng và quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) được tỉnh Bình Dương đầu tư mở rộng, đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Lâm Tùng

Đông Nam Bộ chủ động vào cuộc

Dự án đường Vành đai 3 và 4 thành phố Hồ Chí Minh là hai dự án đường bộ lớn nhất Đông Nam Bộ. Tính đến hết tháng 8, Bình Dương là địa phương đầu tiên trong vùng đã chủ động thu hút các nguồn vốn để hoàn thành 50% đoạn tuyến của hai tuyến đường này qua địa bàn mình.

Với dự án đường Vành đai 3 qua Bình Dương dài 26,6km, quy mô 8 làn xe cao tốc và đường song hành với tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương đã chủ động hoàn thành hơn 15km (đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn) từ tháng 5-2021. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bình Dương Nguyễn Văn Minh cho biết: “Tuyến đường đã hình thành trục Bắc Nam nối các trung tâm công nghiệp lớn của Bình Dương với các cảng biển, sân bay trong vùng. Tuyến đường giúp giảm 25% thời gian vận chuyển, giảm 30% chi phí vận chuyển hàng hóa so với trước. Bình Dương đang khẩn trương triển khai xây dựng các đoạn còn lại của đường Vành đai 3 theo các mốc tiến độ: Giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại từ tháng 10-2022; đấu thầu xong vào tháng 3-2023; khởi công dự án vào ngày 30-4-2023, hoàn thành năm 2025”.

Phát huy tính chủ động, ngày 25-8 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Tổng công ty Becamex IDC lập đề án đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa phương với chiều dài 48,3km, quy mô 8 làn xe cao tốc. Hiện, Bình Dương cũng đã chủ động hoàn thành nhiều đoạn thuộc dự án này với tổng chiều dài lên đến gần 23km.

Một tuyến đường cao tốc quan trọng khác của khu vực Đông Nam Bộ cũng sẽ sớm được khởi công là Dự án cao tốc (giai đoạn 1) Biên Hòa - Vũng Tàu nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có tổng chiều dài hơn 53km, quy mô 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/giờ. Đây là tuyến đường quan trọng nối các trung tâm công nghiệp đến cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải lớn nhất nước; giảm tải cho quốc lộ 51 hiện đã quá tải.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, tỉnh phấn đấu đến trước ngày 30-4-2023 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng 70% diện tích đoạn tuyến qua tỉnh (dài 34km). Còn UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các đơn vị hoàn thành chi tiền đền bù, giải phóng mặt bằng trước Tết Nguyên đán 2023 để có thể khởi công dự án trong nửa đầu năm 2023; hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025.

Tương tự, UBND thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh cũng đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị khởi công Dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài với chiều dài toàn tuyến 53km, tổng mức đầu tư hơn 15.900 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư, quy mô 8 làn xe. Hai địa phương thống nhất phấn đấu hoàn thành hồ sơ dự án để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 tới. Trong năm 2023 sẽ cắm mốc, đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án, phấn đấu đến giữa năm 2024 sẽ có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết, tỉnh đã chuẩn bị xong 1.500 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án. Còn Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) Lê Ngọc Hùng cho biết, thành phố đã chuẩn bị nguồn vốn 5.900 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, sớm khởi công dự án. Khi hoàn thành, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến các nước trong hành lang kinh tế ASEAN.

Tây Nam Bộ chuyển động

Giữa tháng 8-2022, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 nối tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Tiền Giang. Đây là cao tốc trục ngang của khu vực Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), có chiều dài 27,43km, quy mô 4 làn xe, tốc độ khai thác 80km/giờ, tổng mức đầu tư công khoảng 5.886 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Duy Lân thông tin, đoạn tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nằm trong tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang từ cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) về Cảng Định An (Trà Vinh). Dự kiến dự án được khởi công trong năm 2023 và hoàn thành vào năm 2026.

Trong khi đó, UBND tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương chuẩn bị các phần việc cần thiết để sớm triển khai dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Toàn tuyến dài hơn 188km, quy mô 4 làn xe, tốc độ khai thác 80km/giờ, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2026, kết nối kinh tế - xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng quy mô lên 6 làn xe.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiền thông tin, Chính phủ đã phân cấp cho UBND 4 tỉnh, thành phố liên quan là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án đoạn tuyến qua địa phương mình. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ phấn đấu từ nay đến năm 2026, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 400km đường cao tốc gồm các tuyến trục chính dọc ngang trong vùng, trong đó có cao tốc trục dọc thành phố Cần Thơ - Cà Mau và các tuyến ngang. Như vậy, đến năm 2026, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 500km đường cao tốc.

Nhóm phóng viên