Tổng kết Lễ hội 2017: “Nóng” chọi trâu, băn khoăn “cướp lộc”

Văn hóa - Ngày đăng : 13:44, 02/02/2018

(HNMO) - Sáng nay (2-2), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Những vấn đề “nóng” như cướp lộc, tổ chức chọi trâu được quản lý triệt để trong năm 2018.


Nếu không quản, cả nước sẽ bùng nổ chọi trâu

Theo Báo cáo tổng kết, mùa lễ hội 2017 có nhiều chuyển biến tích cực, tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội đã giảm như: Lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa trước; tỉnh Sơn La, Lào Cai năm đầu tiên không tổ chức cấp phép và không có lễ hội chọi trâu.

Các lễ hội mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thay đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ 2 không tổ chức chém lợn giữa sân đình; hội Phết đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) không có nội dung tổ chức cướp phết; hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi; lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ) không còn nghi thức đập đầu trâu mà thay thế bằng hình thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu…

Trong buổi tổng kết lễ hội, vấn đề “nóng” nhất được xới lên là việc quản lý các lễ hội chọi trâu tại nhiều địa phương. Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Tuyên Quang, hiện nay việc giải thích cho người dân về lễ hội chọi trâu là phản cảm vẫn chưa rõ ràng nên người dân chưa chịu.

“Chọi trâu thì ở đâu cũng có những hình thức giống nhau, hai con trâu ở Hải Phòng đấu với nhau có khác gì hai con trâu ở Tuyên Quang. Nhưng hiện nay lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn lại được phép diễn ra, còn ở Tuyên Quang và nhiều địa phương khác phải tạm dừng vì lý do… phản cảm, bạo lực. Khi chúng tôi giải thích với người dân thì họ không chịu và chưa thật sự tâm phục khẩu phục”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Tuyên Quang bày tỏ.

Theo vị lãnh đạo Sở VH-TT&DL Tuyên Quang, hiện nay, tỉnh này đã tạm thời dừng cấp phép lễ hôi này nhưng vẫn mong Bộ VH-TT&DL cần có hướng dẫn cụ thể về việc thế nào là phản cảm, tại sao lại không được phép.

Với các địa phương từng diễn ra những lễ hội về trâu gây bức xúc trong dư luận như Yên Bái có lễ hội Đông Cuông treo cổ trâu, Phú Thọ có lễ hội Cầu trâu cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, năm 2017 đã không cấp phép tổ chức lễ hội này.

Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Yên Bái cho biết, từ năm 2016 trở về trước, tại Yên Bái có 7-8 lễ hội chọi trâu, nhưng đến nay sau nhiều nỗ lực hạn chế, tuyên truyền, vận động người dân thì tại tỉnh này chỉ còn 2 lễ hội có hình thức hiến sinh.

Các địa phương báo cáo công tác tổ chức lễ hội năm 2018.


Trước vấn đề nhiều địa phương còn băn khoăn trong việc giải thích cho người dân thế nào là lễ hội phản cảm, tại sao lễ hội chọi trâu nhất định phải dừng tổ chức nếu không phải là lễ hội truyền thông, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, chủ trương của bộ chỉ đạo xuống các địa phương là phải rà soát các lễ hội, những lễ hội nào có yếu tố phản cảm, kích động bạo lực nhất định không cấp phép tổ chức.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, sở dĩ các lễ hội chọi trâu tại nhiều địa phương ngày càng trở nên phản cảm vì sau các xới chọi là việc bày bán, giết mổ trâu ngay tại lễ hội, có nơi còn biến trụ sở chính quyền địa phương, trường học làm nơi bán thịt. Nhiều địa phương nhân việc tổ chức chọi trâu còn bán vé kinh doanh thương mại, xuất hiện hình thức cờ bạc, cá cược trá hình, gây bất ổn trên địa bàn.

“Nếu các địa phương chỉ vì lợi ích kinh tế mà không nhìn vào mặt trái thì lễ hội sẽ “loạn”. Bộ không quyết liệt chấm dứt những lễ hội phản cảm thì cả nước sẽ đua nhau tổ chức chọi trâu. Quan điểm của bộ là năm 2018 quán triệt việc không tổ chức những hoạt động lễ hội bạo lực, không cấp phép những lễ hội chọi trâu không phải là truyền thống”, bà Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL bày tỏ: “Sao nhiều doanh nghiệp, đơn vị lại hăng hái nộp đơn đề xuất xin đăng ký chọi trâu đến vậy? Nếu không được chọi trâu lại xin cấp phép chọi dê. Ở đây chắc chắn có mục đích lợi nhuận. Chúng tôi đề nghị Cục Văn hóa cơ sở phải có hình thức rà soát, làm việc với các địa phương về vấn đề này để giải thích cho địa phương và người dân hiểu sâu xa của các lễ hội”.

Không thể tuyệt đối hóa việc quản lý lễ hội

Theo đánh giá của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, khách quan thì so với những năm trước, mùa lễ hội 2017 diễn ra trong sự kiểm soát của địa phương. Dù vậy, vẫn có những hình ảnh không đẹp xảy ra như tình trạng phát lộc tại chùa Hương, chen lấn xô đẩy tại đền Sóc (Hà Nội), cướp lộc, ném tiền vào kiệu rước tại đền Trần (Nam Định)… Một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận nhiều trong cuộc tổng kết là làm thế nào để hạn chế được tình trạng này trong năm 2018.

Là địa phương “nóng” với lễ hội đền Sóc, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết: “Ngày xưa các cụ dùng từ “cướp lộc” nhưng “cướp” ở đây là người trẻ nhường người cao tuổi, thanh niên nhường phụ nữ nhưng giờ là cướp thật. Thanh niên lao vào nhau giằng xé, gây gổ… là không được. Chúng ta nên thay thế từ “cướp lộc” là “tất lộc” để dần thay đổi nhận thức cho người dân. Năm nay, Lễ hội đền Sóc sẽ có sự thay đổi rõ rệt trong hình thức “tất lộc” để hạn chế tối đa tình trạng chen cướp”.

Theo ông Động, một trong những nguyên nhân của việc quản lý lễ hội năm nào cũng hô hào nhưng vẫn xảy ra những hiện tượng tiêu cực là bởi công tác thanh kiểm tra chưa nghiêm. “Có đoàn thanh tra cấp cao xuống địa phương kiểm tra khen công tác tổ chức làm tốt, nên những đoàn thanh tra cấp nhỏ hơn xuống rất khó nói với người dân cũng như Ban quản lý lễ hội. Đó là cái khó, mâu thuẫn của những người quản lý. Tôi đề xuất, Bộ VH-TT&DL tăng cường công tác thanh kiểm tra liên ngành, phân rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị”, ông Tô Văn Động bày tỏ.

Về vấn đề tranh cướp lộc vẫn diễn ra trong nhiều lễ hội, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nam Định cho hay, mặc dù đã có nhiều biện pháp hạn chế những tiêu cực, nhưng BTC vẫn gặp không ít khó khăn trong việc ngăn cản người dân tranh giành, cướp lộc tại khu làm lễ. Điển hình như năm 2016 người dân cướp lộc ngay trong khu vực chính điện, năm 2017 tình trạng này được khống chế thì người dân lại ném tiền lẻ khi kiệu rước đi qua.

Tại buổi tổng kết, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh cũng nhìn nhận thẳng thắn thiếu sót khi để xảy ra tình trạng phát ấn trong Hội chữ xuân đầu năm mới 2017 và khẳng định sẽ không bao giờ tổ chức phát ấn như vậy mà chỉ làm hình thức khai ấn đầu năm. Đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phục -địa phương có những lễ hội cướp phết, cướp chiếu cũng cho biết, sẽ thay đổi hình thức tổ chức để tránh bạo lực phản cảm.

Về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc nhận định: “Tôi phải khẳng định là trong ngày khai hội đền Trần, người dân chén lấn xô cướp rất ít, chủ yếu là khách mời. Chúng ta chưa có hình thức xử lý nghiêm túc, kiên quyết những người vi phạm. Cán bộ, đảng viên tham dự lễ hội nếu vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật ra sao, chúng ta chưa làm được. Cán bộ, đảng viên còn chen cướp thì nói gì đến nhân dân”.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cũng đồng tình rằng, BTC Lễ hội đền Trần phải kiên quyết xử lý hai vấn đề tồn tại là cướp lộc trong đền và ném tiền vào kiệu rước vì đây là những việc làm phi văn hóa, không đúng với tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

“Vi phạm luật giao thông còn có hình thức xử nguội, tại sao các địa phương không thử áp dụng biện pháp này. Báo chí, truyền hình đã ghi lại rất rõ những người vi phạm nhưng thực tế là chúng ta chưa kiên quyết xử lý. Tôi nghĩ rằng, không phải chúng ta không quản lý được mà là do chúng ta chưa kiên quyết thôi”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết.

Về phương hướng, nhiệm vụ quản lý lễ hội trong năm 2018, Thứ trường Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, sẽ không bao giờ tuyệt đối hóa được việc quản lý lễ hội, đòi hỏi lễ hội diễn ra phải tròn trịa, không có vấn đề nảy sinh, bởi lẽ lễ hội là nơi tập trung đông người với đủ thành phần, tầng lớp, trình độ văn hoá.

Tuy nhiên, các địa phương cần phải nhìn rõ những hạn chế, yếu kém của mùa hội trước để khắc phục trong mùa lễ hội này. Một trong những biện pháp quản lý lễ hội là thay vì quản về hành chính, các địa phương nên nêu cao vai trò của thủ nhang, thủ đền, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội.

Mùa lễ hội 2018 chuẩn bị khai hội. Thời điểm này, các địa phương đã hoàn tất các kế hoạch tổ chức và ráo riết thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế những hình ảnh phản cảm. Trước đó, trong buổi tổng kết ngành VH-TT&DL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Bộ VH-TT&DL cần có biện pháp quản lý hiệu quả, hướng dẫn các địa phương tuyệt đối “không tổ chức lễ hội khơi dậy lòng tham của nhân dân”.

Hy vọng, với tinh thần hướng đến tổ chức lễ hội an toàn, văn minh, có hiểu biết, mùa lễ hội năm nay sẽ không còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, tiêu cực làm mất đi vẻ đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt.

Hoàng Lân