Giữ mầm xanh giữa sóng gió Trường Sa

Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 02/02/2018

(HNM) - Trường Sa - vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc quanh năm sóng gió tưởng chừng chỉ có cát và nắng, nhưng những năm gần đây diện tích trồng cây xanh ngày càng được mở rộng.


Khi cơn bão đi qua...

Chúng tôi đến quần đảo Trường Sa khi cơn bão số 16 của năm 2017 có tên gọi Tembin tràn qua chưa lâu, biển vẫn động dữ dội. Cơn bão tuy không gây thiệt hại về người, nhưng cây cối đổ gãy, hệ thống vườn, chuồng trại tăng gia hư hỏng cả. Tại các đảo, cán bộ, chiến sĩ hải quân vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão, trồng lại cây bằng việc rửa mặn, phơi đất, chăm sóc cây lâu năm.

Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa ngậm ngùi: “Đảo Trường Sa nơi tâm bão số 16 đi qua, có sức gió giật 14-15, sóng biển cao đến 10m đã khiến 90% cây xanh bị thiệt hại. Đất đá, san hô bồi lên đảo khối lượng lớn. Sóng to làm ngập, nhiễm mặn toàn bộ vườn rau xanh, hư hỏng 3 nhà kính trồng rau rộng 550m2, cuốn trôi 100m3 đất, hư hỏng 46 cột đèn năng lượng sạch, đổ 1 tháp gió và 2 bức tranh gốm sứ 120m2”.

Các chiến sĩ đảo chìm Đá Tây chăm sóc vườn rau sau khi bị bão phá hỏng.



Theo chân chị Võ Thị Thu Sang, hộ dân số 6, đi thăm các con đường trên đảo Trường Sa, tôi càng thấm hơn những điều Trung tá Lương Quốc Anh nói. Màu xanh mát trải dài trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trước đây không còn nữa, thay vào đó là những gốc tra cụt ngọn vừa được dựng lại. Các vườn rau đang được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khẩn trương khôi phục. Kể về sức tàn phá của cơn bão, chị Sang nói: “Sau một đêm, nhiều con đường phủ một lớp cát dày. Cây cối đổ rạp. Vừa rồi, các gia đình được cán bộ, chiến sĩ trên đảo dựng lại cây, dùng nước ngọt tưới, chăm sóc liên tục mới được thế này. Nhà dân tuy không hư hại nhiều, nhưng gió lớn đã làm tốc hết trần chống nóng…”.

Tôi đến đảo Đá Tây B khi các chiến sĩ đang xăm xắn dựng lại “nhà” cho rau ngay sát bên mép biển. “Nhà” được dựng bằng những thanh gỗ đóng chắc chắn và che bạt cẩn thận để tránh nước mặn. Những mầm rau bắt đầu nhú lên trong những thùng xốp, hộp nhựa. Vừa cẩn thận chăm chút từng ngọn rau mồng tơi, Binh nhất Nguyễn Thanh Tuấn (đảo Đá Đông A) vừa chia sẻ: “Cả vườn có 5 luống rau mà chúng em khôi phục được mỗi luống này. Sau bão, các bầu trồng rau hầu như đều bị nhiễm mặn và hư hại. Chúng em phải đem những chậu đất ra phơi, rửa mặn, bón thêm vôi và phân, sau đó mới gieo rau. Không những thế, cả đơn vị còn phải tiết kiệm từng giọt nước mưa để duy trì, phát triển vườn rau”.

Không chỉ ở đảo Đá Tây B mà tại các đảo chìm Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát… nhờ sự kiên trì và cẩn thận của cán bộ, chiến sĩ, gần một tháng sau bão, các vườn rau bị hư hỏng nay bắt đầu lên xanh.

Màu xanh đang trở lại

Ở đất liền, việc trồng cây vất vả một thì giữa đại dương này, mỗi cây xanh lớn lên đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân của quần đảo bởi Trường Sa quanh năm nắng gió, mưa bão. Chính bởi khí hậu khắc nghiệt đó nên chỉ một số loài cây thích ứng được, như: Phong ba, bão táp, tra, bàng vuông… Cây xanh trên đảo không những tạo bóng mát, cảnh quan cho đảo, một số loài cây còn làm thực phẩm thiết yếu cho cán bộ, chiến sĩ. Trung tá Đỗ Xuân Chung, Chính trị viên phó đảo Trường Sa chia sẻ: “Ở đảo, do điều kiện thổ nhưỡng hết sức khắc nghiệt, trồng được một cây xanh và chăm sóc cho nó tốt tươi đòi hỏi rất nhiều công sức. Tuy nhiên, những loài cây này đều có sức sống dẻo dai và bền bỉ, biểu tượng cho sự kiên cường của người lính biển trước muôn vàn khắc nghiệt giữa trời nước mênh mông. Em nhìn xem, nhiều cây tra được trồng lại sau 20 ngày đã nảy mầm mới”.

Chính vì mỗi cây xanh trên đảo đều được yêu quý như thế nên sau hơn một tháng, toàn bộ hệ thống cây xanh trên đảo Trường Sa bị bão làm đổ đã được trồng lại, khu nhà kính trồng rau được sửa chữa và gieo trồng rau mới cho kịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Nhìn chiến sĩ trẻ Vũ Đình Khôi (đảo Trường Sa) nhẹ nhàng nâng niu mầm cây bàng vuông cao chừng 20cm non mơn mởn, tôi cảm nhận được anh em ở đây quý cây đến thế nào. Khôi nói: "Bão làm hỏng nhiều cây quá nên bọn em đang ươm rất nhiều mầm mới để ra xuân trồng, phục hồi lượng cây trên đảo đã bị hư hỏng”. Trong khi đó, Trung tá Lương Quốc Anh cho hay: “Chúng tôi xác định, với thiệt hại lớn như vậy, không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Trước mắt là chặt tỉa ngắn cành cây, sau đó dựng lại, đợi đến mùa xuân, cây sẽ nảy chồi, đơm lộc. Đối với vườn rau bị nhiễm mặn, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp như dùng đất màu, xơ dừa để cải tạo. Để bảo đảm điều kiện cho quân, dân đón Tết đầy đủ, đơn vị trồng một số loại rau ngắn ngày như rau mầm, ủ giá đỗ…”.

Bão gió, sự mặn mòi của biển cả ở Trường Sa không thể làm lung lay ý chí và nghị lực kiên cường của người chiến sĩ hải quân ở nơi đầu sóng ngọn gió, bởi bên cạnh họ luôn có sự đồng hành của nhân dân nơi đất liền. Như thường lệ, chuyến tàu mang Tết ra Trường Sa không thể thiếu thịt lợn, gạo nếp, lá dong, măng khô, bánh mứt kẹo… Đặc biệt năm nay, thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của quân và dân huyện đảo Trường Sa, quà Tết từ các đơn vị, địa phương gửi tặng rất thiết thực. Theo Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), sau cơn bão số 16 có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước đã hỗ trợ hàng chục tấn rau xanh, đáp ứng nhu cầu bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là bảo đảm rau xanh trong những ngày Tết. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ hạt giống, các vật dụng để trồng rau tiết kiệm nước, đất dinh dưỡng, phân vi sinh, nhà kính, bạt che để các đảo phục hồi cây, trồng lại rau xanh, bảo đảm cho quân và dân đón Tết Mậu Tuất 2018 đầm ấm.

Rời quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc khi mùa xuân mới đang về, tôi nhận ra rằng, với những cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ giữa trùng khơi, mùa xuân không chỉ bắt đầu khi hoa mai, hoa đào khoe sắc. Với các anh, xuân sẽ đến khi những mầm xanh trên đảo ngày càng lớn nhanh. Bởi mầm xanh ấy chính là ý chí, là nghị lực vượt thử thách của những cán bộ, chiến sĩ; là sự hy sinh thầm lặng gửi lại phía sau mùa xuân của riêng mình để xuân về trên khắp nẻo đường của đất nước thân yêu…

Dương Linh