Xây dựng văn hóa giao thông: Bắt đầu từ ý thức

Giao thông - Ngày đăng : 06:48, 03/09/2022

(HNMCT) - Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Điều này cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng.

Hành vi tham gia giao thông chuẩn mực sẽ giúp lan tỏa nhiều hơn các giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng, ngược lại, sẽ làm môi trường giao thông lệch chuẩn. Chính vì vậy, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp xây dựng văn hóa giao thông nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tình trạng người dân sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Thiếu ý thức khi tham gia giao thông

Văn hóa giao thông được hiểu là hành vi tuân thủ pháp luật, cư xử văn minh khi tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của con người khi tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông còn thể hiện ở tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường, người tham gia giao thông không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho người khác; thấy người bị nạn thì cần giúp đỡ họ kịp thời; thấy sự cố về đường, phương tiện thì phải báo hiệu, thông báo cho ban, ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý; chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; phối hợp cùng cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, văn hóa giao thông của người Việt còn chưa tốt. Theo nhiều nghiên cứu, 95% nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông vi phạm các quy tắc an toàn như: Không giữ khoảng cách an toàn; không tập trung khi lái xe dẫn đến không chú ý quan sát các biển chỉ dẫn giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu; dừng, đỗ xe tùy tiện mà không có cảnh báo đối với các phương tiện khác...

Trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; đi xe không có biển số, điều khiển phương tiện mà không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang hay đèo ba, đèo bốn, lạng lách, đánh võng, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, bóp còi inh ỏi hoặc vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại. Khi xảy ra va quệt thì thoái thác trách nhiệm, cãi vã, thậm chí gây gổ, đánh nhau...

Bà Nguyễn Hồng Thu (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Văn hóa của nhiều người tham gia giao thông ở Hà  Nội còn kém. Tôi đã chứng kiến nhiều lần người điều khiển phương tiện giao thông cố nhoi lên để vượt đèn đỏ mà không muốn đợi dù chỉ vài giây. Vì muốn nhanh nên nhiều người đi xe lên cả vỉa hè, cho xe qua giải phân cách... Trong khi mỗi người chỉ cần ý thức một chút, nhường nhau một chút, sống chậm lại một chút thì vấn nạn tắc đường, tai nạn giao thông đã được hạn chế rất nhiều".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội khẳng định, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ khiến các loại phương tiện phải đi chung một làn đường gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên ở các đô thị lớn, còn có nguyên nhân chủ quan do nhận thức của người tham gia giao thông chưa cao, dẫn tới những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.

Bắt đầu từ ý thức của mỗi người

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xây dựng văn hóa giao thông chính là nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của con người. Những điều này đã được thành phố Hà Nội cụ thể hóa trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng với 7 điều nên và 4 điều không nên làm khi tham gia giao thông, và tích cực tuyên truyền trên phạm vi toàn thành phố.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL năm 2013 về tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Trong đó, các tiêu chí chung bao gồm: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; Đi đúng làn đường, phần đường quy định; Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; Có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn...

Mới đây, trước thực trạng ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, việc đi lại trên đường rất lộn xộn, xe máy, thậm chí cả xe đạp có thể đi sang làn đường dành cho ô tô và ngược lại, ô tô cũng sẵn sàng lấn làn đường sát vỉa hè vốn dành cho xe máy, xe đạp..., Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã đề xuất và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi.

Theo đó, đoạn thí điểm từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân (dài khoảng 1,5km), 2 làn sát vỉa hè sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; 3 - 4 làn sát dải phân cách dành cho xe ô tô hoạt động... Đây được đánh giá là giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông, cần được duy trì nghiêm. Hiệu quả của giải pháp này phụ thuộc rất lớn vào ý thức tham gia giao thông của người dân.

Tai nạn giao thông chỉ có thể giảm khi ý thức tham gia giao thông của mỗi người được nâng lên, và xây dựng văn hóa giao thông chính là góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn, thân thiện với con người.

Tại cuộc tòa đàm “Những ứng xử cần tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông” mới đây, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng khẳng định, Luật Giao thông là điều mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ. Bên cạnh luật pháp, người tham gia giao thông còn phải quan tâm tới giá trị đạo đức, ứng xử hài hòa, văn minh...

Còn PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển thì cho rằng, những thay đổi trong văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay là cả một quá trình và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Văn hóa giao thông cần được đẩy mạnh không chỉ trong giáo dục nhà trường mà còn phải được đưa vào nội quy của các cơ quan, đơn vị.

Mỗi công dân cần góp phần xây dựng văn hóa giao thông, phát huy lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; luôn cố gắng tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn vì sự an toàn của những người khác.

Đăng Khôi