Sự bứt phá ấn tượng
Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 03/02/2018
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone đạt 2,5%, mức cao nhất trong 10 năm qua, vượt mức ước tính 2,2% mà Ủy ban Châu Âu đưa ra hồi tháng 10-2017. Trong khi đó, theo số liệu được Eurostat công bố hồi tháng 1, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1-2009, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khu vực đang phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone giảm xuống mức 8,7% trong tháng 11-2017, đúng như dự báo của các chuyên gia.
Kinh tế khối Eurozone tăng trưởng mạnh trong năm 2017 là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng nợ kéo dài từng đe dọa đến sự sống còn của đồng euro có thể đã chấm dứt. Trong một thập kỷ tính từ năm 2007, khối Eurozone phải vật lộn với hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra đợt suy thoái nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Nhiều quốc gia như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và đảo Sip đã phải xin cứu trợ từ các nước trong khối cũng như từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Lo ngại về sự tồn vong của khối Eurozone chỉ lắng dịu khi 19 nền kinh tế khu vực đồng euro chứng kiến sự phục hồi nhờ sự trỗi dậy của Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Nền kinh tế Pháp tăng trưởng nhanh trong quý IV-2017 khi GDP tăng 0,6%. Đặc biệt, Hy Lạp dự kiến kết thúc kỷ nguyên xin cứu trợ vào mùa hè này.
Ngoài việc các nền kinh tế trong khối Eurozone tự phục hồi, các nền kinh tế thành viên còn được hỗ trợ nhờ thương mại toàn cầu cải thiện, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của khu vực này. Hoạt động cho vay dành cho khối doanh nghiệp trong khu vực Eurozone đã chạm đỉnh của gần 8 năm qua. Sau thời gian khủng hoảng tài chính, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã thực hiện một số biện pháp để khởi động lại hoạt động cho vay như: Cắt giảm lãi suất, “bơm” hơn 1.800 tỷ euro vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu...
Cuối tháng 5 năm ngoái, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra nhiều ý tưởng cả về ngắn hạn và dài hạn, trong đó có ý tưởng thành lập Quỹ Tiền tệ quốc tế theo kiểu Châu Âu và đề cử một chủ tịch thường trực của nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone đứng đầu Bộ Tài chính của khu vực.
Tuy nhiên, bất chấp các dấu hiệu tăng trưởng tích cực, những bất ổn xung quanh triển vọng kinh tế EU vẫn đang gia tăng. EC cũng cảnh báo, việc chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ đối với hoạt động thương mại toàn cầu, cùng với kết quả các vòng đàm phán cho quá trình Anh chính thức rời khỏi EU và hệ thống ngân hàng Châu Âu yếu ớt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển kinh tế của khu vực này.
Các nhà phân tích nhận định, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, tăng trưởng bình quân của Eurozone chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Thực tế này được đánh giá phù hợp với xu hướng chung của thế giới khi thương mại toàn cầu cũng gia tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ 6 năm trở lại đây. Tín hiệu này đang được kỳ vọng rằng 2018 sẽ là năm kinh tế Eurozone tiếp đà tăng trưởng, tự tin và ổn định hơn.