Vinachem nỗ lực vực dậy các dự án thua lỗ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:38, 03/02/2018
Năm 2017 là năm đặc biệt khó khăn với Vinachem, bởi giá phân bón vẫn ở mức thấp, giá bán phân NPK (chất lượng cao) chỉ bằng 98% giá bình quân năm 2016, còn giá urea đi ngang... Trong khi đó, hoạt động sản xuất phân đạm từ than của Tập đoàn tiếp tục gặp bất lợi so với sản xuất phân đạm từ khí, do giá khí vẫn ở mức thấp trong khi giá than tăng so với năm 2016. Đối với các mảng sản xuất khác như cao su, chất tẩy rửa, sản phẩm điện hóa, hóa chất và khí công nghiệp, tuy sản lượng tiêu thụ tăng, song do cạnh tranh gia tăng, tỷ lệ tồn kho vẫn còn khá cao.
Đặc biệt, nhóm sản xuất chế biến quặng apatit, sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam gặp nhiều khó khăn do việc xin cấp phép khai thác quặng apatit kéo dài thời gian chưa được giải quyết, có lúc phải dừng sản xuất ở một số công trường khai thác, dẫn đến không cân đối nguồn quặng cho thị trường và các nhà máy tuyển...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Gia Tường, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn, năm 2017 với tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, các đơn vị trong Vinachem đã đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp trên tất cả các mặt hoạt động như mua sắm vật tư, điều hành sản xuất, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm… để đạt mục tiêu tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng trưởng sản xuất và tăng hiệu quả nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 42.198 tỷ đồng, đạt kế hoạch năm, tăng 8,8% so với năm 2016; doanh thu đạt 44.971 tỷ đồng, đạt 103,3% kế hoạch năm, tăng 5%...
Năm qua, Vinachem đã tích cực tập trung chỉ đạo 4 đơn vị bị lỗ nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn, đưa toàn bộ các dây chuyền sản xuất ở 4 dự án (gồm các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, cải tạo - mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP - Vinachem, Nhà máy DAP số 2 - Vinachem) vào hoạt động, trừ những đợt dừng sản xuất theo kế hoạch để tiến hành sửa chữa lớn định kỳ, hằng tháng các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy liên tục, ổn định.
Theo ông Nguyễn Gia Tường, để tăng tốc cho năm 2018, nhiệm vụ còn rất nặng nề, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc. Tập đoàn đã đặt ra kế hoạch cụ thể để thực hiện, theo đó sẽ phát huy nội lực nhằm hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản đề ra như: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế là 45.289 tỷ đồng (tăng 7,3% so với năm 2017); doanh thu đạt 46.481 tỷ đồng (tăng 3,4%); lợi nhuận đạt 60 tỷ đồng; tiền lương tăng 5% so với năm 2017…
Đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn, Vinachem sẽ xây dựng phương án, lộ trình cụ thể để trình cấp có thẩm quyền thực hiện theo quy định. Tập đoàn sẽ chỉ đạo các Công ty TNHH một thành viên, người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn, bán bớt vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-TTg) về tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng Tập đoàn xử lý kịp thời những khó khăn, theo đúng quy định của pháp luật, trên cơ sở Vinachem phải thực hiện tái cấu trúc về quản lý, tài chính và quan trọng phải lựa chọn được những cán bộ có năng lực, tiếp tục tìm nguồn tài chính, đầu tư, phấn đấu đưa các doanh nghiệp cắt lỗ sớm nhất...