USD xuống đáy 3 năm: Sự bất thường khiến nhà giàu ôm đô lo sợ
Tài chính - Ngày đăng : 13:51, 03/02/2018
Biến động ngược chiều
Trong cuộc họp kéo dài 2 ngày cuối tháng 1 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,25-1,5%, diễn biến này không nằm ngoài dự báo của thị trường.
Fed phát tín hiệu cho biết sẽ tiếp tục lộ trình nâng dần lãi suất với những tuyên bố lạc quan. Theo đó, nền kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ khá “khỏe mạnh". Fed cho rằng, lạm phát dự kiến sẽ đi lên trong năm nay và ổn định ở quanh mức mục tiêu 2%.
Tín hiệu của Fed là khá rõ ràng, rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ với kế hoạch bình thường hóa lãi suất. Tuy nhiên, phản ứng với các sự kiện này, đồng USD chỉ nhích nhẹ lên trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi nhanh chóng suy yếu trở lại.
Đồng bạc xanh giảm phiên thứ 3 liên tiếp cho dù đã chứng kiến một tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3-2016. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) xuống dưới ngưỡng 89,00 điểm.
Đồng Euro tiếp tục tăng giá so với USD và lên mức cao nhất trong 3 năm so với đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới. Bảng Anh cũng tăng mạnh so với USD và vượt lên trên ngưỡng 1 bảng Anh đổi 1,42 USD.
Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng UBS đã cắt giảm dự báo tỷ giá giữa đồng USD so với Euro. Theo đó, UBS cho rằng, đồng USD sẽ giảm xuống ngưỡng 1 Euro đổi 1,3 USD vào cuối 2018 và 1,35 USD vào cuối 2019, thay vì 1,25 USD và 1,3 USD như trong dự báo trước đó. Hiện tại, 1 Euro đổi được 1,2490 USD.
Như vậy, đồng Euro của Châu Âu vẫn đang trải qua một đợt tăng giá nhanh chưa từng có trong vòng một thập kỷ qua. Từ một đồng tiền bị nghi ngờ về khả năng tồn tại và về gần ngang giá so với USD, đồng Euro trở thành đồng tiền mạnh nhất trong năm 2017 và vẫn đang tiếp đà đi lên.
Trong năm 2017, đồng USD đã giảm tổng cộng gần 10% trong cả năm. Đây cũng là năm mà đồng tiền này giảm mạnh nhất kể từ 2003.
Fed đã có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017 và 2 lần tăng lãi suất trong năm 2016. Tổng cộng, Fed đã tăng lãi suất 5 lần, mỗi lần 25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, những quyết định chấn động của Mỹ đã không làm thay đổi được vị thế của đồng USD.
Theo kế hoạch, Fed sẽ có 3 lần tăng nữa trong năm 2018, đưa lãi suất lên ngưỡng 2-2,25%/năm. Tuy nhiên, những tín hiệu trên thị trường tài chính thế giới cho thấy, không chỉ Mỹ là nước có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền mà nhiều nền kinh tế khác trong đó có EU cũng có kế hoạch tương tự.
Thị trường tài chính bất định
Thị trường tài chính thế giới vài năm gần đây biến động khó lường và thường được các chuyên gia gán cho một từ “bất định”.
Một số dự báo gần đây cho rằng, đồng USD có thể sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2018. Nó không đồng nghĩa với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ suy yếu mà thực chất phản ánh sự phục hồi ấn tượng hơn của các nền kinh tế khác và chính sách của chính quyền Mỹ.
Gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ liên tục bày tỏ sự lạc quan vào triển vọng nền kinh tế số 1 thế giới. Các cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của Mỹ phát tín hiệu cho biết tiếp tục lộ trình nâng dần lãi suất. Tuy nhiên, tuyên bố của những nhân vật chủ chốt cho thấy rõ hơn quan điểm của Mỹ.
Phát biểu tại Davos đầu năm mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết một đồng USD yếu là “tốt cho thương mại” của Mỹ. Đây cũng là quan điểm mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi bấy lâu nay.
Trước đó, ông Donald Trump đã không ngần ngại tuyên bố sẽ buộc các nước phải công bằng hơn trong thương mại. Ông Trump chủ trương giảm thâm hụt thương mại với các nước và một đồng tiền yếu ở mức vừa phải là thượng sách.
Ông Trump đã từng buộc tội cả Nhật, Đức và Trung Quốc về việc duy trì các đồng tiền yếu hoặc/và phá giá đồng tiền khu vực để giành lợi thế cạnh tranh và đạt thặng dư thương mại với Mỹ trong các năm trước đó.
Tổng thống Donald Trump cũng đã khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng việc ký sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc.
Đây có lẽ là lần đầu tiên trong 4 đời tổng thống, nước Mỹ tính đảo ngược chính sách “đồng USD mạnh”. Điều đó có nghĩa là đồng USD có thể sẽ được dùng như một vũ khí trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước, thách thức Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và cả Châu Âu.
Thời gian tới, đồng USD được cho là sẽ còn chịu thêm áp lực giảm giá với đề xuất mới đây của tổng thống Donald Trump. Trong bài phát biểu liên bang cuối tháng 1-2018, ông Trump đã nói đến gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.500 tỷ USD.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang đánh mất kỳ vọng về triển vọng một nền kinh tế Mỹ tươi sáng hơn dựa trên những cam kết thúc đẩy tăng trưởng của Tổng thống Donald Trump.
Giới đầu tư còn lo ngại tốc độ tăng lãi suất hay thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể không theo kịp các nền kinh tế khác.
Rõ ràng, thông điệp liên bang đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump không có gì mới mẻ, không mang lại luồng gió tươi mới nào cho đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới. Đây cũng là yếu tố khiến đồng USD chưa thể hồi phục, dù đang ở mức đáy 3 năm.