Học hỏi từ một nền thể thao chuyên nghiệp
Thể thao - Ngày đăng : 07:27, 04/02/2018
Các vận động viên thi đấu tại Giải vô địch Bi sắt Châu Á 2017. |
Nhà thi đấu “khủng”
Giải được tổ chức tại nhà thi đấu của Trường Đại học Bangkok Thonburi (Thái Lan). Ngôi trường cách trung tâm thủ đô Bangkok hơn 30km và cách Sân bay quốc tế Suvarnabhumi khoảng 60km. Nếu đi từ sân bay về nhà khách của Trường Bangkok Thonburi thì mất gần 2 giờ di chuyển vì luôn xảy ra cảnh ùn tắc. Hôm đi từ sân bay về nơi ở tại Trường Bangkok Thonburi, chiếc xe chở đội tuyển Việt Nam luồn lách liên hồi mới có thể thoát ra khỏi đoàn xe dài dằng dặc. Các vận động viên, ai nấy mặt mũi nhợt nhạt khi xuống xe, một số ngồi thụp xuống hè rồi chạy thẳng… vào nhà vệ sinh.
Gác lại chuyện xe cộ ở Bangkok, thảnh thơi mới nhận thấy ấn tượng về quy mô, cách thức tổ chức một giải thể thao quốc tế ở Thái Lan. Nhà thi đấu của Trường Bangkok Thonburi thực sự gây choáng cho những người lần đầu đặt chân tới đây. Tiếng là của một trường đại học nhưng nhà thi đấu này còn rộng hơn cả Cung thể thao Quần Ngựa - công trình thể thao bề thế nhất trong số các nhà thi đấu tại Hà Nội. Nhà thi đấu rộng khoảng 5.000m2 với một sân khấu và ba mặt khán đài di động. Tùy tình hình thực tế, người ta có thể kéo khán đài ra hoặc đẩy gọn lại, mở rộng hoặc thu hẹp lòng nhà thi đấu. Khán đài chia thành nhiều ô, mỗi ô có khoảng 300 ghế, khá tiện cho việc di chuyển. Tất cả có khoảng 5.000 ghế, đủ để tổ chức những sự kiện lớn.
Nhưng đó chỉ là một phần trong hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện thể thao của trường. Ngoài nhà thi đấu này, trường còn có một nhà tập cầu lông rộng khoảng 3.000m2 cùng khoảng 20 cột rổ phục vụ cho việc tập môn bóng rổ, 1 sân vận động cùng gần chục sân bóng đá kích cỡ tiêu chuẩn cho 11 người thi đấu và sân mini. Ở sân bóng đá cạnh nhà thi đấu bi sắt, khá đông sinh viên chơi bóng vào mỗi buổi chiều. Họ không phải đóng phí thuê sân. Chủ nhiệm Câu lạc bộ bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui kể rằng, đó là chuyện bình thường ở Thái Lan chứ không riêng gì Trường Bangkok Thonburi.
Có thể là Trường Bangkok Thonburi có Khoa Thể thao nên cần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc luyện tập thể thao, nhưng rõ ràng là sinh viên của trường có nhiều sự lựa chọn để rèn luyện. Có lẽ, đó cũng là lý do mà thể thao Thái Lan luôn ở tốp đầu Đông Nam Á. Từ đây, người ta được thỏa sức theo đuổi đam mê thể thao, chọn nghề vận động viên chuyên nghiệp. Đây cũng là điều phù hợp với xu hướng chung của thể thao thế giới.
Đừng tự giới hạn khả năng
Tôi đã quen với khung cảnh thi đấu bi sắt ở nhiều nơi tại Việt Nam. Có điều kiện tốt nhất là sân tập luyện và thi đấu của Câu lạc bộ bi sắt Hà Nội với hệ thống mái che cùng khung sắt kiên cố. Còn ở nhiều tỉnh khác, hầu hết là các sân ngoài trời hoặc có mái che bằng tôn. Nhưng kể cả là có mái che thì các địa điểm thi đấu bi sắt ở Việt Nam cũng không tránh khỏi bị mưa hắt. Vào ngày nắng, vận động viên... mướt mải vì sức nóng hầm hập từ trên dội xuống; ngày lạnh lại phải nai nịt kỹ lưỡng để không bị cứng cơ. Đặc biệt, các vận động viên ở miền Nam rất ngại ra Hà Nội thi đấu vào mùa đông. Á quân nội dung kỹ thuật nam tại Giải Bi sắt Châu Á 2017 Huỳnh Công Tâm (Trà Vinh) kể rằng, có khi vừa mới thích nghi với thời tiết lạnh "cắt da cắt thịt" ở Hà Nội thì giải đã kết thúc.
Nếu thi đấu ở Nhà thi đấu Đại học Bangkok Thonburi thì người chơi không lo bị thời tiết chi phối. Đối với vận động viên bi sắt Việt Nam, được điều bi trong nhà thi đấu đã là chuyện trong mơ. Nhưng khi thi đấu tại giải lần này, họ còn phải mặc thêm áo khoác hoặc áo lót dài tay do nhà thi đấu quá mát. Đơn giản vì Ban Tổ chức bật điều hòa trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đấu để bảo đảm cho vận động viên thi đấu trong điều kiện nhiệt độ ổn định, không bị yếu tố ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến thành tích. Trưởng bộ môn bi sắt (Tổng cục TDTT) Đoàn Tuấn Anh kể rằng, không cứ giải Châu Á lần này mà ở nhiều giải bi sắt quốc tế khác, kể cả giải quốc nội tại Thái Lan cũng có điều kiện thi đấu như vậy. Tới đây, sẽ không ai nghĩ rằng bi sắt là môn thể thao bình dân.
Cũng có thể nói, môn bi sắt được nhiều người Thái Lan ưa chuộng nên mới được ưu ái như vậy. Hiện tại, có tới 3 hãng sản xuất dụng cụ, thiết bị thể thao - trong đó có các sản phẩm phục vụ cho vận động viên bi sắt tại Thái Lan - cùng đồng hành với giải đấu. Cà phê pha sẵn của Hãng Netstle được cung cấp miễn phí từ nhà ăn đến địa điểm thi đấu. Ông Khunsulin, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bi sắt Thái Lan nói rằng, chi phí để tổ chức giải đấu vào khoảng 2 triệu bath (chừng 1,4 tỷ đồng tiền Việt Nam), do Liên đoàn Bi sắt Thái Lan lo liệu, trong đó có cả chi phí lắp đặt sân bãi, phục vụ ăn nghỉ cho khoảng 200 quan chức, huấn luyện viên, vận động viên trong 5 ngày. Thực tế, khâu ăn uống của các đoàn không quá phức tạp. Mỗi bữa chính và bữa sáng đều ăn theo kiểu tự chọn với khoảng mười món mỗi bữa, bảo đảm đủ chất cho vận động viên. Quan trọng là không bao giờ thiếu thức ăn, hoa quả, chỉ sợ người dự giải không thể “nạp” hết đồ ăn.
Câu chuyện về sự đón tiếp chu đáo của nước chủ nhà còn chưa lắng xuống thì đến ngày cuối giải, các thành viên đều nhận được một chiếc áo phông có in hình của từng người. Trong buổi chiêu đãi trước giải, Ban Tổ chức đã đề nghị chụp ảnh từng thành viên tham dự, trong đó, “đạo cụ” chủ yếu là viên bi sắt. Nhiều thành viên của đội tuyển Việt Nam nghĩ rằng việc chụp ảnh là để phục vụ cho quá trình vận động đưa môn bi sắt vào chương trinh thi đấu biểu diễn tại Olympic 2024 ở Pháp. Bởi vậy, cuối giải, khi nhận đồ lưu niệm về giải đấu, sự xuất hiện của chiếc áo phông in hình từng người đã mang lại sự thích thú... Đây là việc làm tưởng nhỏ nhưng không phải nơi nào cũng có thể làm được. Tất cả là nhờ ở tính chuyên nghiệp cũng như sự tâm lý, chu đáo của nhà tổ chức.
Nhìn vào cung cách tổ chức “nhẹ tênh” một giải đấu cấp châu lục như vậy, nhiều thành viên trong đội tuyển bi sắt Việt Nam mơ ước, nếu một ngày giải bi sắt châu lục lại được tổ chức tại Việt Nam thì khâu tổ chức cũng phải đạt đến đẳng cấp tương tự. Thực tế, điều đó không xa tầm với của nhà tổ chức tại Việt Nam. Miễn là chúng ta đừng tự giới hạn khả năng của mình.