Chấn chỉnh hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe buýt

Giáo dục - Ngày đăng : 06:28, 05/02/2018

(HNM) - Mới đây, tại cuộc họp giữa Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Tài chính, các đơn vị liên quan đều cho rằng, hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế...


Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, năm 2017, toàn thành phố có 24 quận, huyện nhưng chỉ có 15 quận, huyện với 123 trường tham gia đưa, đón học sinh bằng xe buýt, tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành như: Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè. Năm 2017, xe buýt đưa, đón được gần 36.700 học sinh, đạt 90% chỉ tiêu đề ra, giảm 10% so với năm 2016.

Từ những con số trên, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố) cho rằng, theo chỉ tiêu năm 2017, phải vận chuyển bằng xe buýt trên 40.000 học sinh, nhưng thực tế đã không đạt. Do vậy, để thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 15% số lượng học sinh toàn thành phố đi học bằng xe buýt là vấn đề không đơn giản.

Theo ông Thụy, sự hạn chế trên bắt nguồn từ việc đưa, đón học sinh bằng xe buýt còn tồn tại nhiều bất cập. Nổi bật là, chất lượng xe buýt không đáp ứng nhu cầu, thái độ phục vụ của nhà xe chưa tốt, mức trợ giá còn thấp. Đơn cử, mức trợ giá đối với học sinh trong thành phố là 2.830 đồng/lượt/học sinh và huyện Cần Giờ là 3.537 đồng/ lượt/học sinh... Mức trợ giá này chưa khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong khi đó, nhân lực phục vụ điều hành và quản lý công tác này còn thiếu, vì trung bình một phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện phải đảm đương 4-5 công việc khác nhau. Mặt khác, công tác quản lý và xác nhận số lượng học sinh đi học bằng xe buýt hằng ngày do nhà trường thực hiện, do không đủ nhân lực nên việc mở rộng hoạt động không đạt hiệu quả mong muốn.

Để thực hiện mục tiêu thành phố đề ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh đề xuất mức trợ giá mới trong năm 2018. Cụ thể, xe buýt có máy lạnh áp dụng trong thành phố là 3.968 đồng/lượt/học sinh, huyện Cần Giờ là 4.587 đồng/lượt/học sinh; với xe buýt không có máy lạnh, trong thành phố là 3.760 đồng/lượt/học sinh và huyện Cần Giờ là 4.028 đồng/lượt/học sinh. Từ đó, mức trợ giá cho hoạt động đưa, đón học sinh trên địa bàn thành phố sẽ tăng từ 930 đồng đến 1.138 đồng/lượt/học sinh, riêng địa bàn huyện Cần Giờ là từ 491 đồng đến 1.050 đồng/lượt/học sinh... Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải đầu tư nhiều hơn nữa cho dịch vụ đưa, đón học sinh.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng phương tiện là việc cần sớm được thực hiện. Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố, hiện các phương tiện đưa, đón học sinh trên địa bàn thành phố đều đã sử dụng trên 10 năm. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện mới, Sở đề xuất thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong vòng 10 năm đối với 70% giá trị phương tiện, 30% còn lại nhà đầu tư trả trước.

Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện số lượt trợ giá trên địa bàn huyện Cần Giờ là 4 lượt /học sinh/ngày và 23 địa bàn còn lại là 2 lượt /học sinh/ngày. Tuy nhiên, theo thực tế thì khối lượng học sinh có nhu cầu học 2 buổi/ngày tăng cao, đồng nghĩa 4 lượt đưa, đón học sinh/ngày. Do đó, Sở kiến nghị thành phố trợ giá 4 lượt /học sinh/ngày, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thu hút học sinh đi học bằng xe buýt nhiều hơn, góp phần giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Mặt khác, cần chấn chỉnh cung cách, thái độ phục vụ của nhà xe, tăng số lượng nhân viên trên từng chuyến xe để bảo đảm việc đưa, đón học sinh, nhất là bậc tiểu học diễn ra an toàn.

Gia Bảo