“Lặng phố”: Cuộc giao duyên giữa hội họa và văn chương
Sách - Ngày đăng : 19:21, 05/02/2018
Hai tác giả giới thiệu về ấn phẩm “Lặng phố”. |
Tác giả của ấn phẩm nghệ thuật này là họa sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh. Không chỉ là một cuốn sách, đó là sự đồng hành giữa thế hệ cầm cọ 7X và thế hệ cầm bút 9X để tiếp tục những câu chuyện về Hà Nội.
Họa sĩ Phạm Bình Chương sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Anh học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhiều năm là giảng viên tại trường này. Trong nghệ thuật, Phạm Bình Chương nổi bật với tranh trường phái hiện thực. Anh cũng là trưởng nhóm “Hiện thực” gồm các họa sĩ theo đuổi trường phái này trong nước. Tham gia nhiều triển lãm, hoạt động nghệ thuật cả riêng và chung nhưng họa sĩ Phạm Bình Chương vẫn ấp ủ thực hiện một cuốn sách tranh về Hà Nội - nơi anh vẽ nhiều nhất.
Còn nhà văn trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh sinh năm 1992 tại Hà Tĩnh. Cô chỉ sống ở Hà Nội chừng 7 năm với công việc của một nhà sản xuất sách, người làm truyền thông và viết văn. Nhật Linh là tác giả của tập truyện ngắn “Vị hôn”, có hai ấn phẩm đã bán trên 15.000 bản là “Nín đi con” (tản văn), “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” (tản văn).
Nhà văn trẻ cho biết, cô chưa nghĩ mình đủ trải nghiệm và chữ nghĩa để viết về Hà Nội cho đến khi xem những bức tranh phố trường phái hiện thực của họa sĩ Phạm Bình Chương. Và cô đã vượt qua được những giới hạn bắt buộc để viết về Hà Nội nhẹ nhàng, tự nhiên theo cảm nhận của lứa tuổi mình.
Ấn phẩm có điều đặc biệt là không đánh số trang, không có mục lục, trình bày đan xen giữa những trang văn và những bức tranh phố. Theo hai tác giả, đây là cách để người xem cảm nhận Hà Nội tự do từ cuốn sách.
Giải thích về tên gọi “Lặng phố”, tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh nói rằng: “Suy cho cùng, sống giữa bao nhiêu ồn ã và vội vã, chúng ta vẫn chỉ muốn lòng mình luôn được dịu êm. Hà Nội trong mong mỏi của mỗi người cũng vậy”.
Trong ấn phẩm này, người xem được thưởng thức những bức tranh về từng góc phố, bậc cầu thang, sinh hoạt của người Hà Nội chân thật như chúng hiển hiện trước mắt và được đọc những áng văn dịu dàng, thơ mộng về mảnh đất này. Chẳng hạn như đoạn dưới đây:
“Hà Nội mà tôi thấy ngày ngày tháng tháng đã từng và đương ở đây chưa bao giờ đơn màu lẻ sắc. Lúc nào cũng vậy, hoặc là màu sát màu tách rõ, hoặc là quyện đều lẫn trộn. Chẳng hạn, một buổi ban trưa giữa mùa hè. Nắng phết từng lớp trên nền tường vàng khô, đôi chỗ bong xước hở ra màu ghi nhạt của một ngôi nhà đã cổ, mái nhà cũ xưa xếp ngói nâu nâu trầm, cửa sổ gỗ sơn màu rêu sẫm khi đóng khi hở. Những hàng dây điện đen đặc giăng ngang khi căng như kẻ khi thõng như sẽ rơi, hoa giấy rực hồng xanh lá leo giàn ở ban công, con đường sát vỉa hè lúc nào cũng đông thì màu xám đậm... Đấy là những nhà liền cạnh nhà làm nên các phố, là những màu sắc chen nối với nhau thành một khối, một vị Hà Nội. Để bất cứ ai đi qua, cũng nhìn vô thức, nhìn đến quen thuộc và quen lâu là nhớ rất sâu”...