Kỳ vọng mới cho ngành rau, quả
Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 05/02/2018
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trái cây có nhiều tín hiệu tích cực. |
Tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2012, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam mới đạt khoảng 800 triệu USD. Trải qua 5 năm, xuất khẩu rau, quả đã vượt qua lúa gạo và dầu thô, vươn tới 3,5 tỷ USD. Sự tăng trưởng này đã chứng minh hướng đi đúng của ngành Nông nghiệp khi chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, quả, đặc biệt là các loại quả chất lượng, mang đặc trưng vùng miền. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Doanh cho biết: Tiềm năng về các chủng loại giống cây ăn quả hết sức đa dạng và phong phú, khai thác được lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, qua đó xác lập được thế mạnh mỗi loại cây gắn với từng vùng cụ thể trên cả nước. Đến nay, gần như quanh năm, Việt Nam có trái cây xuất khẩu, mùa nào thức nấy, vùng nào sản phẩm ấy. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả đã liên kết với nông dân xây dựng các vùng trái cây, vùng rau tập trung quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... rất bài bản, cải thiện năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó, việc khai thác và mở rộng thị trường cho rau, quả Việt Nam đã mở ra thời kỳ mới cho mặt hàng chiến lược này. Điển hình là mặt hàng trái cây. Hiện trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhiều thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đánh giá rất cao trái cây của Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Hữu Đạt cho rằng: Thị trường rau, quả thế giới có tiềm năng rất lớn, ước lên tới 240 tỉ USD, trong khi rau, quả Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 1%. Với đà tăng trưởng hiện nay và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, doanh nghiệp, khả năng ngành rau, quả hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD là điều hoàn toàn khả thi. “Hiện rau quả Việt Nam mới chiếm 3% tại thị trường Mỹ; 0,4% tại thị trường EU… trong khi nhu cầu nhập khẩu của hai thị trường này rất cao. Nếu khai thác tốt, ngành trái cây hoàn toàn có thể cán đích như kỳ vọng” - ông Đạt nêu thêm.
Nâng cao khả năng chế biến
Mặc dù rau, quả đang là điểm sáng của ngành Nông nghiệp song xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu là dạng tươi, chưa đi sâu vào chế biến. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng chia sẻ: Mặc dù tổng sản lượng các mặt hàng rau, quả, trái cây lên tới 22 triệu tấn/năm, nhưng hiện nay chỉ 9% trong số đó được chế biến. Khâu chế biến và thị trường vẫn là những điểm yếu của ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Theo Cục Trồng trọt, cả nước hiện có 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 800 ngàn tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh đó là hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Đa số các nhà máy chế biến có quy mô vừa và nhỏ chưa có vùng nguyên liệu. Việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế; khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến còn chậm.
Hiện các nhà máy chế biến rau, quả đang thiếu nguyên liệu khi sản lượng chế biến chỉ đạt khoảng 440 ngàn tấn sản phẩm/năm (hơn 50%). Trái cây nguyên liệu cho chế biến chưa đáp ứng cả về chủng loại và sản lượng. Do vậy, để tăng giá trị mặt hàng này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến khâu chế biến.
Giám đốc Công ty Trí Việt Nguyễn Hữu Trí cho rằng: Sản lượng trái cây tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên qua các năm đều tăng, nhưng "đầu ra" sản phẩm vô cùng khó khăn. Đây là nghịch lý bởi nhu cầu của thị trường về trái cây tươi và trái cây chế biến vẫn rất cao; các nhà nhập khẩu nước ngoài sẵn sàng nhập các sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu đầu tư chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam. Đơn cử với mặt hàng thanh long, để chế biến được 1 tấn bột thanh long, phải cần đến hàng nghìn tấn thanh long tươi. Như vậy, sức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tăng gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần...
Cùng với nâng cao khả năng chế biến cho rau, quả thì việc phát triển thị trường cũng cần được quan tâm. Hiện nay, 80% sản lượng trái cây Việt Nam đang được tiêu thụ trong nước, chủ yếu ở dạng quả tươi. Trong đó, 90% được tiêu thụ ở các chợ truyền thống. Các kênh phân phối hiện đại như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trái cây cao cấp... mới chỉ chiếm 10% lượng trái cây tiêu thụ nội địa. Do đó, để ngành rau, quả tăng tốc, đạt kỳ vọng, các doanh nghiệp cần sớm xây dựng các kênh tiêu thụ trong nước, đồng thời, tiếp tục đưa rau quả sang các thị trường quốc tế mới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong năm 2018, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư mạnh vào khâu chế biến cho tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu sang các cây trồng chất lượng như rau, quả; phối hợp với các bộ, ngành khai thác tốt thị trường quốc tế thông qua các kênh thương mại và quảng bá xây dựng thương hiệu.