Lạng Sơn giải quyết tình trạng dồn ứ nông sản tại các cửa khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 16:19, 05/02/2018
Tình trạng dồn ứ hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Hoàng Văn Toàn/TTXVN |
Để giải quyết tình trạng này, trong những ngày vừa qua, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu này đã làm việc hết công suất, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất như làm việc với các cơ quan chức năng bên kia biên giới kéo dài thời gian làm việc. Cụ thể là trước đây chỉ mở cửa khẩu đến 17 giờ hằng ngày, thì nay mở cửa khẩu đến 21 giờ. Đồng thời, giải quyết làm thủ tục nhanh chóng, phân luồng xe hàng… để hàng hóa được thông quan một cách nhanh nhất có thể.
Theo ông Đoàn Tuấn Anh, Chi cục phó, Chi cục Hải Quan Tân Thanh, từ ngày 2 đến hết ngày 4-2, Chi cục đã làm thủ tục cho 845 xe nông sản xuất sang bên kia biên giới để bán hàng. Đến sáng ngày 5-2, chỉ còn khoảng gần 400 trăm xe nữa đang chờ để xuất bán.
Nguyên nhân của tình trạng hằng năm đều có hiện tượng dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh là do đây là thời điểm chính thu hoạch các loại hoa quả như dưa hấu, thanh long… ở các tỉnh phía Nam nên hàng nông sản chở lên khu vực biên giới để bán trở nên quá tải.
Trong khi đó, việc buôn bán nông sản qua biên giới theo hình thức trao đổi cư dân biên giới, không có hợp đồng, không có cam kết, thuận mua vừa bán nên việc bán hàng gặp nhiều khó khăn. Khi lượng hàng mang lên nhiều, các tư thương có quyền lựa chọn nâng lên, hạ xuống, thậm chí ép giá; vì vậy nhiều chủ hàng muốn gom hàng lại, chờ giá cao mới bán làm cho tình trạng dồn ứ hàng tại cửa khẩu.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tuy có nhiều cửa khẩu nhưng bên phía Trung Quốc chỉ đồng ý cho các mặt hàng nông sản là dưa hấu, thanh long… nhập qua cửa khẩu này nên tình trạng quá tải xảy ra thường xuyên vào các vụ thu hoạch chính của các mặt hàng nông sản.
Trước tình trạng dồn ứ hàng nông sản diễn ra thường xuyên, năm nào lãnh đạo Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng trao đổi thông tin và khuyến cáo các tỉnh bạn nên quy hoạch, điều chỉnh sản lượng hàng hóa là nông sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, cùng với đó là nên giãn thời gian thu hoạch, không nên dồn dập mang lên cửa khẩu tránh tình trạng ùn tắc gây thiệt hại cho người dân.
Tại cửa khẩu, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên khuyến cáo các tư thương khi lượng hàng hóa trên cửa khẩu còn nhiều chưa xuất bán được cần lùi thời gian, tiến độ mang hàng lên để tránh tình trạng ùn ứ, gây ách tắc.