Ứng dụng năng lượng nguyên tử ngày càng sâu rộng

Công nghệ - Ngày đăng : 06:38, 06/02/2018

(HNM) - Tại Việt Nam, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng hiệu quả và có triển vọng phát triển trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, nông nghiệp, công nghiệp tới môi trường…


Từ điều trị ung thư đến chống buôn lậu

TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, thời gian qua, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả, đặc biệt trong chẩn đoán, điều trị bệnh và trong công tác an ninh hải quan.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sản xuất đồng vị phóng xạ trong ngành Y tế.


Trong lĩnh vực y tế, nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại ngang tầm quốc tế đã được triển khai tại Việt Nam như điều trị ung thư tế bào gan bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ, kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I-131… Sự tiến bộ của khoa học - công nghệ (KH-CN), mà đặc biệt là công nghệ gia tốc, đã giúp phương pháp xạ trị đạt hiệu quả và có nhiều ưu thế trong trị liệu ung thư. Năm 2000, tại Bệnh viện K, thiết bị gia tốc xạ trị LINAC hiện đại đầu tiên của Việt Nam được lắp đặt và đưa vào phục vụ công tác điều trị bệnh ung thư. Sau hơn 17 năm, ngoài các thiết bị chẩn đoán, hỗ trợ chuyên môn, hiện nay đã có khoảng trên 40 máy gia tốc LINAC được trang bị ở các đơn vị bệnh viện ung bướu, phân bố ở cả ba miền trong cả nước.

Trong lĩnh vực điện quang, công nghệ bức xạ tiên tiến được ứng dụng trong các thiết bị chẩn đoán hiện đại như CT, MRI, được sử dụng trong phương pháp xạ trị ung thư dưới hướng dẫn ảnh (IGRT) nhằm đem lại hiệu quả xạ trị, tiêu diệt chính xác khối u và bảo toàn phần lớn số lượng các mô lành xung quanh.

Thời gian qua, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cấp dây chuyền công nghệ chiếu xạ công suất 300 tấn quả/ngày, đáp ứng nhu cầu chiếu xạ thực phẩm, nông sản phía Bắc. Doanh thu từ chiếu xạ ở quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu các mặt hàng hoa quả, thủy sản, hải sản… vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Australia… đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Hay như Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma), Viện Nghiên cứu hạt nhân, đã triển khai nhiều công việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ, tạo ra được các chế phẩm dùng trong nông nghiệp, trong đó có chất kích kháng bệnh thực vật, chất giữ nước giúp điều hòa độ ẩm đất và tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chế phẩm kích thích tăng trưởng thực vật.

Hiện cả nước có 9 máy chiếu xạ ở quy mô công nghiệp, chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư, đang hoạt động và đem lại giá trị kinh tế cao cho xuất khẩu thủy, hải sản. Ngành Hải quan đã đầu tư và khai thác hiệu quả 11 hệ thống máy soi container hiện đại, sử dụng máy gia tốc tia X tại 5 cục hải quan địa phương, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc đẩy nhanh thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, giảm thiểu các nguy cơ về buôn lậu, trốn thuế hoặc vận chuyển ma túy, vũ khí, chất phóng xạ...

Cần kế hoạch quy mô quốc gia

Tại Việt Nam, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 01/2006/QĐ-TTg ngày 3-1-2006. Theo thống kê, tổng nhu cầu dược chất phóng xạ trong y tế của Việt Nam hiện nay gần 1400Ci/năm, trong đó Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 250Ci/năm (tổng lượng cung cấp từ các cơ sở sản xuất trong nước đạt gần 50% nhu cầu, đáp ứng được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch chi tiết về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế); phần còn lại khoảng 750Ci/năm chủ yếu do các doanh nghiệp cung cấp từ nhập khẩu. Toàn quốc hiện có hơn 1.100 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng cộng gần 4.000 nguồn.

Mặc dù nhu cầu tăng cao cùng với sự hiện diện rộng rãi của công nghệ hạt nhân trong đời sống, đây vẫn là vấn đề mới ở Việt Nam. Điều này đang đặt ra những yêu cầu cao hơn cho hoạt động quản lý, nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử: Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và kiện toàn quản lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH-CN hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ cần tiếp tục được hoàn thiện. Đó là việc nghiên cứu xây dựng Nghị định về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia trình độ cao làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Cần nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ ở Việt Nam, đồng thời chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và dự báo phát triển để đề xuất dự thảo Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình cho giai đoạn sau năm 2020.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, việc tổ chức đào tạo ở trình độ đại học và sau đại học về công nghệ hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ cũng như cần có kế hoạch ở quy mô quốc gia về đào tạo cán bộ quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực này.

Bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vai trò và đóng góp của khoa học công nghệ hạt nhân nói chung và công nghệ bức xạ cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng và có đóng góp trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bảo Chi