Loạn phí dịch vụ đổi tiền lẻ, mới dịp Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 10:50, 06/02/2018

(HNMO) - Thông thường, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền lẻ, tiền mới tăng cao. Thời điểm này, tại “chợ đen”, hoạt động đổi tiền mới trở nên nhộn nhịp với mức phí rất cao dù hành vi thu phí đổi tiền mới, tiền lẻ là vi phạm pháp luật.


Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền in mới dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng.

Phí đổi cao chót vót

Việc thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên đán là theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo cơ quan quản lý này, việc tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích đã hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.

Nhu cầu tiền mặt trong dịp năm mới sẽ được đáp ứng đầy đủ. Cơ quan quản lý đưa tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên ra lưu thông.

Quảng cáo đổi tiền lẻ trên mạng.


Tuy nhiên, vì nhiều người có thói quen đi lễ bằng tiền lẻ, mừng tuổi bằng tiền mới nên nhu cầu các loại tiền trên tăng cao vào thời điểm này.

Trong khi NHNN không có tiền lẻ mới đổi cho người dân, còn với tiền mệnh giá 10.000 đồng trở lên, NHNN đưa ra lưu thông tiền mới nhưng không phải người dân nào cũng đổi được tại ngân hàng. Thế nhưng ở “chợ đen”, việc đổi các loại tiền này lại rất dễ, chỉ cần chịu phí cao.

Trong vai người đang cần tiền mới, chúng tôi đến phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Vừa dừng xe tại khu vực gần Bưu điện Hà Nội, hai phụ nữ tầm trung tuổi đã chạy ra đon đả: “Các em đổi tiền hả? Trừ mệnh giá 500đ, các chị loại nào cũng có. Tiền còn nguyên seri”.

“Giá cả thế nào chị?” - chúng tôi hỏi. “Mệnh giá càng nhỏ, phí càng cao em ạ. Chẳng hạn, loại 10.000đ và 20.000đ giá đổi là 10 “ăn” 8,5 (tức đổi 10 triệu đồng tiền cũ khách hàng lấy 8,5 triệu đồng tiền mới), loại 2.000đ là 10 “ăn” 8.” Khi chúng tôi tỏ vẻ lưỡng lự vì phí đắt, một chị khác nhanh nhảu: “Phí đổi tiền mệnh giá 10.000đ và 20.000đ có thể giảm xuống 10 “ăn” 9, còn mệnh giá từ 5.000đ trở xuống không giảm được”…

Trên mạng, chỉ cần lướt qua một số mạng xã hội, phổ biến nhất là facebook, người dùng sẽ gặp nhan nhản các lời quảng cáo về đổi tiền mới tiền lẻ. Chẳng hạn như: "Đổi tiền lẻ mừng tuổi tết thôi cả nhà ơi. Bên mình nhận đổi tiền lẻ mệnh giá 1k, 2k, 5k, 10k, 20k, 50k. Giá phí: 1k là 20%, 2k là 15%, 5k 20k 50k là 12%, 10k là 14%; Đổi tiền lẻ, đổi tiền mới giá tốt nhất thị trường. Nhận ưu đãi lớn nếu bạn đổi số lượng lớn cho doanh nghiệp, bạn bè. Tiền mới nguyên bó, tiền mới liền seri, dịch vụ giao hàng tại Hà Nội - đảm bảo an toàn tài chính…". Cùng với đó là số điện thoại giao dịch hoặc lời nhắn nhủ khách hàng có nhu cầu thì nhắn tin qua mạng.

Sẽ xử lý nghiêm


Gọi vào số điện thoại của một trong số những lời mời chào trên, người này cho biết, anh ở ngoại thành Hà Nội, các tiền mới từ mệnh giá 1.000 đồng trở lên bao nhiêu cũng có. Nếu khách hàng đổi trên 10 triệu đồng sẽ được chuyển đến tận nhà nhưng phải mất phí 20.000-40.000 đồng. Mức phí đổi tiền là 10% đối với tiền mệnh giá 20.000đ, 12% đối với tiền mệnh giá 5.000đ và 10.000đ. Với những loại tiền mệnh giá thấp hơn, phí đổi sẽ cao hơn.

Rõ ràng, việc thu phí khi đổi tiền lẻ, tiền mới là vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 96 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm này, việc đổi tiền lẻ, tiền mới với mức phí rất cao vẫn đang tồn tại.

Mới đây, NHNN có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng tuyệt đối không găm giữ tiền mới được điều chuyển từ NHNN trung ương chỉ để phục vụ mục đích đối ngoại, hoặc đổi cho tổ chức, cá nhân mà không kịp thời phục vụ nhu cầu tiền mặt thanh toán cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước trong lưu thông.

NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền người dân dùng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết nguyên đán.

Đặc biệt, cơ quan này sẽ phối hợp với các đơn vị như chi cục quản lý thị trường, công an thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.

Hương Thủy