Hà Nội "mạnh tay" với gần 500 điểm trông giữ xe không phép

Đời sống - Ngày đăng : 20:26, 07/02/2018

Qua thống kê, rà soát các điểm trông giữ xe của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại 499 điểm trông giữ xe không phép.

Nhân viên trông giữ xe hướng dẫn xe đỗ đúng nơi quy định. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN


Con số này quá lớn so với số điểm trông giữ xe được cấp phép hiện có. Hiện nay, Hà Nội mới có 13 điểm trông giữ xe được cấp phép; trong đó, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội là đơn vị chủ lực. Khi thành phố nâng mức giá trông giữ phương tiện lên gấp 2 - 3 lần thì lượng thuế thất thu từ các bãi trông giữ xe không phép là không nhỏ.

Bãi trông xe "khủng" không phép vẫn tồn tại

Không ít những điểm trông giữ xe không phép “khủng” vẫn còn tồn tại đến trước thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khiến người dân bức xúc. Đơn cử như bãi xe tại số 17 phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Mặc dù không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động song nơi đây hàng ngày vẫn có tới hàng trăm xe ô tô ra vào khiến giao thông ùn tắc vào giờ cao điểm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Với phí trông giữ xe ô tô tại đây từ 1,2 triệu đồng - 1,7 triệu đồng/tháng thì khoản lợi nhuận thu được từ bãi xe không phép này không hề nhỏ. Các điểm trông giữ xe tự phát không đảm bảo các yêu cầu để tổ chức trông giữ xe, không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thu giá tùy tiện. Đặc biệt, đây là những điểm nóng “chặt chém” khách gửi xe vào những dịp lễ, Tết.

Nằm ở vị trí trung tâm với nhiều hoạt động giao dịch, hội họp…, phương tiện ở bên ngoài vào nhiều nên nhu cầu gửi đỗ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm rất lớn. Diện tích dành cho giao thông tĩnh thiếu nên phát sinh nhiều điểm trông giữ xe tự phát. Theo ông Nguyễn Xuân Dư, Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông quận Hoàn Kiếm, tình trạng các bãi trông giữ xe tự phát tồn tại nhức nhối trên địa bàn quận nhất là khu vực xung quanh các tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần. Các phố Lãn Ông, Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Bà Triệu, Hai Bà Trưng… cũng là địa bàn tồn tại nhiều điểm trông giữ xe tự phát nhưng việc xử lý thường gặp khó khăn.

Bất cứ khu vực nào tồn tại ô đất trống là có thể hình thành bãi trông giữ xe, thu tiền vô tội vạ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Những người dân tự tổ chức trông giữ khi phát hiện lực lượng chức năng đi kiểm tra thường không ra nhận phương tiện mà lảng tránh ra chỗ khác. Lực lượng chức năng phải hóa trang mới có thể xử lý được vi phạm.

Để giải quyết vấn đề này, Đội Thanh tra Giao thông Vận tải Hoàn Kiếm đã đề nghị chủ đầu tư dự án có ô đất trống viết cam kết không trông giữ phương tiện khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp chưa được phép mà đã tổ chức trông giữ xe thu tiền, nếu lực lượng chức năng phát hiện được sẽ xử lý theo quy định.

Từ ngày 15-1, UBND quận Hoàn Kiếm đã thành lập đội liên ngành gồm các thành phần Giao thông Vận tải – Tài Chính – Công an tiến hành kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe trái phép và bãi xe quá diện tích, thu quá giá quy định. Trong năm 2017, riêng đội Thanh tra Giao thông quận Hoàn Kiếm đã xử lý 38 điểm trông giữ xe vi phạm trông giữ quá diện tích, sai phép, không phép, tập trung nhiều ở khu vực các tuyến phố đi bộ.

Siết chặt quản lý

Trong khi diện tích đất dành cho giao thông tĩnh còn quá thiếu, việc tận dụng các ô đất trống, sân trường, đất dự án chưa xây dựng… để trông giữ xe là cần thiết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dư - Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận Hoàn Kiếm đề xuất, cùng với việc siết chặt quản lý dịch vụ trông giữ xe, thành phố cần phải có chiến lược lâu dài, làm bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao.

Khi xây dựng tất cả các tòa nhà cần phải thiết kế hầm trông xe để giảm lưu lượng xe đỗ trên đường. Trước mắt, nên có cơ chế thoáng tận dụng tất cả các khu đất trống chủ đầu tư chưa xây dựng như các ô đất ở góc phố Hai Bà Trưng, Hàng Bài cho người dân tổ chức trông giữ xe, quản lý cấp phép ngắn hạn và thu phí. Vì nếu không như hiện nay thì họ vẫn tận dụng trông xe, gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà nhà nước lại thất thu thuế.

Nhiều điểm trông giữ xe ô tô tăng mức phí từ ngày 1-1-2018. Ảnh: Lê Phú


Đội Thanh tra Giao thông quận Đống Đa cũng đề xuất, đối với các bãi đất trống, đất dự án chưa xây dựng nên cấp phép tạm thời từ 3 – 6 tháng để tăng diện tích cho giao thông tĩnh. Đối với các khu vực đất thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu đủ điều kiện để trông giữ phương tiện cũng nên có cơ chế cấp phép tạm thời cho các đơn vị này tổ chức trông giữ.

Để chống tình trạng trông giữ xe không phép, hiện tại, quận Đống Đa thành lập 10 tổ liên ngành và 3 tổ liên ngành cơ động thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự giao thông đô thị, đồng thời kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông của các ban chỉ đạo các phường nên đã cơ bản xử lý được các bãi trông giữ xe không phép. Việc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng để chống tình trạng tái lấn chiếm của các bãi trông giữ xe không phép trên địa bàn.

Để xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sở đang phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tập trung xử lý tận gốc các bãi trông giữ xe trái phép. Khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh của người dân về việc bến bãi trông giữ phương tiện thu sai quy định của Nhà nước, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý ngay. Sở cam kết sẽ rút giấy phép, xử lý nghiêm đối với các bến bãi thu sai quy định.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các điểm trông giữ xe đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND và Trưởng công an các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ các điểm trông giữ xe. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện. Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND thành phố.

Theo baotintuc