Sản xuất nhỏ lẻ, khó kiểm soát

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 07/02/2018

(HNM) - Nông dân ngoại thành Hà Nội đang đẩy mạnh cung ứng nông sản cho thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tuy nhiên, do có quá nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Sản xuất nhỏ lẻ khiến việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Nam


Mới dừng lại ở nhắc nhở

Gần đến Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng nông sản, thực phẩm của người tiêu dùng Thủ đô tăng đột biến, vì vậy các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đã hoạt động hết công suất phục vụ thị trường. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của thành phố vẫn nhỏ lẻ, tự phát, thường xuyên biến động, số lượng cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: GMP, SSOP, HACCP chưa nhiều, công nghệ sơ chế, chế biến lạc hậu khiến công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm gặp không ít khó khăn. Mặt khác, do địa bàn rộng, trình độ quản lý chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, nhất là cán bộ cấp xã thiếu và yếu. Nhiều nơi, chính quyền cấp xã thiếu quyết liệt trong công tác quản lý sản xuất nông sản, thực phẩm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở nên vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục tái diễn.

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, thời gian qua các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, của huyện đến kiểm tra, nhiều cơ sở ngừng hoạt động nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước. "Hiện tại, việc kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau xanh, tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm mới chỉ kiểm soát chặt chẽ ở các cơ sở sản xuất quy mô lớn, mà chưa thể kiểm soát được hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ..." - ông Giang cho biết thêm.

Trao đổi về khó khăn trong công tác kiểm soát cơ sở nông nghiệp nhỏ lẻ của địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết: Huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với 7.848 hộ gia đình, nhưng kết quả chưa phản ánh thực chất, khách quan, bởi phần lớn các cơ sở hoạt động theo mùa vụ. Nhiều địa phương lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện do cán bộ làm nhiệm vụ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở các xã, thị trấn không có biên chế, không được đào tạo chuyên ngành, hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả thấp. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Thanh thừa nhận: Hiện nay, chính quyền địa phương mới dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền vận động người dân sản xuất bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm, chưa xử lý được vụ việc vi phạm nào.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, cơ quan chuyên môn huyện cũng gặp khó khăn trong kiểm soát cơ sở nông nghiệp nhỏ lẻ. Toàn huyện có 237 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản do cấp xã quản lý và 1.567 hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc kiểm tra cơ sở sản xuất này đều gặp khó khăn do chủ cơ sở kinh doanh không cố định, chưa đăng ký kinh doanh.

Siết chặt quản lý

Để tăng cường công tác kiểm soát cơ sở sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, phân loại cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo hồ sơ đăng ký; cấp giấy chứng nhận cho cơ sở đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; kiểm tra định kỳ cơ sở đã được xếp loại, cấp giấy chứng nhận theo quy định. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, thường xuyên lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ, kiên quyết xử lý, yêu cầu khắc phục đối với cơ sở xếp loại C. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở chế biến xây dựng các chương trình quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiên tiến GMP, SSOP, HACCP để nâng cao chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Với các xã, phường, thị trấn cần bố trí nhân viên chăn nuôi thú y, nhân viên trồng trọt bảo vệ thực vật phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở kinh doanh; tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý...

Đồng quan điểm trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc đề xuất: Thành phố nên cân đối đủ kinh phí, nhất là bố trí cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan được phân công nhiệm vụ kiểm tra đánh giá phân loại, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và quản lý sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo quy định của Bộ NN&PTNT cũng như phân cấp của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình hoạt động...

Ngọc Quỳnh