Huyền Như dùng "miếng mồi ngon" cho 5 công ty sập bẫy

Pháp đình - Ngày đăng : 20:49, 08/02/2018

Đại diện Ngân hàng Vietinbank cho rằng, Huyền Như đã đưa ra “miếng mồi ngon” là lãi suất ngoài hợp đồng cao để dẫn dụ các công ty.

Chiều ngày 8-2, phiên xử “siêu lừa” Huyền Như và Võ Anh Tuấn tiếp tục làm việc.

Được mời lên trình bày quan điểm trước ý kiến của Công ty Hưng Yên, Công ty SBBS, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc yêu cầu Ngân hàng Vietinbank phải bồi thường thiệt hại cả gốc cả lãi số tiền mà bị cáo Huyền Như đã chiếm đoạt, đại diện Vietinbank khẳng định, tất cả chủ trương và hoạt động của Vietinbank không trái pháp luật, không trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Việc 5 công ty nghe theo dụ dỗ của Huyền Như làm trái quy định của pháp luật và các trường hợp này đã ký hợp đồng giả, cho thuê, cho mượn tài khoản. Các công ty này bị Huyền Như chiếm đoạt là do xuất phát từ lòng tham của họ và lợi ích cá nhân của người môi giới nên Vietinbank đề nghị HĐXX bác bỏ các yêu cầu bồi thường của 5 công ty trên.

Các bị cáo tại tòa.


Trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài về nguyên nhân nào dẫn tới việc huy động vốn của 5 công ty, bị cáo Huyền Như khai, do trước đó đã vay tiền để kinh doanh bất động sản bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nên bị cáo đã tìm kiếm cách thức để bù đắp vào nguồn tiền đó. Huyền Như cũng cho rằng, không nghĩ hành vi của mình lại khiến Võ Anh Tuấn lại “dính chàm”, bởi theo bị cáo, Tuấn không liên quan gì tới việc Như lừa công ty này. Cũng theo bị cáo, việc tiếp xúc, huy động tiền gửi của Công ty Hưng Yên đã hoàn thành trước khi Võ Anh Tuấn cùng Như gặp đối tác tại Hà Nội.

Khi các công ty đã đồng ý việc gửi tiền thì Huyền Như đã gửi “mẫu hợp đồng trắng” qua mail cho Võ Anh Tuấn. Huyền Như cũng khai việc giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, làm giả con dấu để chiếm đoạt tiền của Công ty Hưng Yên.

Về số tiền 10 tỷ đồng được cơ quan tố tụng xác định là Anh Tuấn được Huyền Như đưa cho từ tiền phạm tội mà có, bị cáo Tuấn khai đó là tiền Như chuyển vào Công ty Hoàng Khải - công ty góp vốn của Huyền Như và Anh Tuấn. Số tiền này dùng để đầu tư, xây dựng công trình.

Võ Anh Tuấn cũng cho rằng, hành vi của mình đã được xem xét ở phiên tòa trước. Và lần này bị xem xét lại ở phiên tòa thứ hai vô hình chung là một hành vi bị xem xét hai lần.

Đại diện Ngân hàng Vietinbank trả lời câu hỏi của luật sư về thủ đoạn dẫn dụ Công ty Phương Đông gửi tiền của Huyền Như là do bị cáo đưa ra “miếng mồi ngon” là lãi suất ngoài hợp đồng cao. Ngoài công ty được hưởng lợi từ lãi ngoài hợp đồng, thì người môi giới Lê Thị Thanh Phương - Giám đốc khối nguồn vốn NH Tiên Phong thời điểm đó cũng được phần trăm. Theo đại diện ngân hàng, các giao dịch này là trái pháp luật.

Trước đó, tại CQĐT, Huyền Như khai đã chi hoa hồng cho Lê Thị Thanh Phương tới 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chị này đã phủ nhận lời khai của Huyền Như.

Theo truy tố, từ 11-8-2011 đến ngày 12-9-2011, Huyền Như dùng thủ đoạn để chiếm đoạt của Công ty Phương Đông số tiền 380 tỷ đồng.

Tại phiên tòa chiều nay, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank- Berjaya (SBBS) đề nghị thay đổi tư cách tham gia tố tụng. Công ty này cho rằng mình không phải là nguyên đơn dân sự mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo quan điểm của công ty SBBS, phía Vietinbank phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền cho công ty do bị Huyền Như chiếm đoạt.

Theo Vietnamnet