Làng phật thủ Hà Nội đắt khách ngày giáp Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 09:35, 08/02/2018

Gần Tết, làng Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) nườm nượp thương lái đến tận vườn mua và vận chuyển phật thủ đi khắp nơi tiêu thụ.

Gần Tết, phật thủ chín vàng trên cây. Ảnh: Nguyễn Nga


Phật thủ Đắc Sở đang vào vụ thu hoạch, quả chín vàng ươm. Từ 8h sáng, vườn phật thủ rộng 7.200 m2 của gia đình anh Nguyễn Bá Quyết (thôn Trung Kỳ) đã đông khách. Khách lẻ mua 5-7 quả, khách buôn đặt mua đến hàng nghìn, giá từ 10.000 đến 800.000 đồng một quả.

"Thời tiết năm nay không ủng hộ, sản lượng giảm 30-40% so với năm ngoái, không đủ đáp ứng hết tất cả đơn hàng”, anh Quyết nói và cho biết quả phật thủ đắt tới 800.000 đồng phải tỏa tròn, có nhiều tầng, nhiều ngón tay dài và mập, các ngón đều nhau, màu hơi mơ vàng.

Phật thủ được tiêu thụ mạnh do giống bàn tay Phật. Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, với hình dáng như nhiều ngón tay chụm lại giống bàn tay Phật, phật thủ được thờ trong nhà vào ngày rằm, mùng 1 và đặc biệt là dịp Tết nhằm cầu may mắn, tài lộc.

Cũng ở thôn Trung Kỳ, vườn phật thủ của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệp những ngày giáp Tết rất đông lái buôn đến thu hoạch, đóng gói và vận chuyển. 

Gia đình ông Thiệp trồng 1,2 mẫu phật thủ, trồng theo lối với tất thảy 270 lối, mỗi lối trồng 10-13 cây. Mỗi năm vườn cho 5.500 quả, bán được 600 triệu đồng. Muốn có phật thủ ưng ý, khách hàng phải đến xem và đặt trước, có khách đặt một lối, cũng có khách đặt ba lối.

Cây cải thiện kinh tế cho nông dân

Phật thủ được trồng nhiều tại xã Đắc Sở hơn chục năm nay. Toàn xã có 1.200 hộ thì đến một nửa trồng loại cây này. Vòng đời của cây chỉ 5-6 năm, mỗi khi hết một lứa, đất cần được cải tạo vài năm trước khi trồng lứa mới.

Vì vậy, người dân Đắc Sở phải thuê đất ở các huyện như Đan Phượng, Quốc Oai, Phúc Thọ… để trồng phật thủ, tổng diện tích lên đến 250 ha. Mỗi năm có khoảng 2 triệu quả phật thủ Đắc Sở được tiêu thụ, doanh thu hơn 116 tỷ đồng.

Theo ông Tạ Văn Phúc, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở, hiện thị trường tiêu thụ được mở rộng, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. “Trong năm 2016, lần đầu tiên phật thủ có mặt tại thị trường Singapore với 6.000 quả. Năm 2017 tăng lên 8.000 quả”, ông Phúc tự hào cho biết.

Phật thủ đã giúp người dân thay đổi cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch UNBD xã Đắc Sở cho hay, từ khi người dân chuyển hướng trồng phật thủ hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa hay hoa màu. Một sào phật thủ nếu được chăm sóc tốt sẽ mang lại vài chục triệu. Mỗi năm thu nhập của các gia đình trồng cây này khá cao, ít thì 100-200 triệu đồng, nhiều 500-600 triệu đồng.

Theo vnexpress