Lấy thành quả làm động lực
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 09/02/2018
Nhìn tổng thể về một năm vừa qua, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nổi bật trong đó là có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp vị trí thứ 68/190 quốc gia và nằm trong nhóm dẫn đầu của các nước ASEAN. Điều đó cho thấy, công cuộc cải cách hành chính đã có hiệu quả rõ rệt, đóng góp cho những thành công của đất nước.
Năm 2017 được Hà Nội lựa chọn là năm thực hiện “Kỷ cương hành chính” nhằm tạo đột phá, đổi mới cung cách làm việc từ các cơ quan công quyền. Giải pháp hàng đầu mà thành phố đưa ra là các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố. Những nỗ lực đó đã thu được những “trái ngọt”, cụ thể là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc)… Trên cơ sở đó, năm 2018 được Hà Nội lựa chọn là "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" với mục đích xây dựng chính quyền theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Để tạo được sự bứt phá tổng lực mạnh mẽ hơn nữa cho cả đất nước, năm 2018, Chính phủ đã tỏ rõ tinh thần quyết liệt trong phương châm 10 chữ đề ra cho năm 2018 là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Đây chính là “kim chỉ nam” để các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện bằng những mục tiêu, hành động cụ thể.
Trước tiên, phải xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng với nhiệm vụ trong tình hình mới. Cụ thể là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan hành chính đối với công cuộc cải cách hành chính. Phải nhận thức rõ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của cải cách hành chính đối với quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, coi cải cách hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó coi việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức vừa là mục tiêu vừa là động lực của cải cách hành chính.
Cùng với đó là phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính. Việc đó cần được cụ thể hóa thông qua tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Để không bị tụt hậu cũng như bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm tăng cường công khai, minh bạch và hiệu lực hiệu quả. Từng bước hình thành chính quyền điện tử từ trung ương đến cơ sở, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, nhưng có vai trò quyết định tới sự thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trên cơ sở nền móng là những thành quả đã đạt được, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm động lực để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.