Huyền Như xin giảm án cho đồng phạm Võ Anh Tuấn
Pháp đình - Ngày đăng : 21:15, 09/02/2018
Chiều 9-2, được HĐXX cho phép nói lời sau cùng trước tòa, Huỳnh Thị Huyền Như nói: "Trong suốt thời gian bị tạm giam khá dài, bị cáo đã có thời gian suy nghĩ thấu đáo, gây ảnh hưởng đến các bị hại và anh chị em đồng nghiệp ở Vietinbank, ảnh hưởng đến thương hiệu của Vietinbank.
Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới bị hại, các đồng nghiệp và lãnh đạo Vietinbank. Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Võ Anh Tuấn. Xin sớm kết thúc vụ án để các bị cáo được đi cải tạo và sớm trở về với xã hội."
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Võ Anh Tuấn mong muốn HĐXX xem xét lại hành vi của bị cáo.
"Hành vi của bị cáo đã được các phiên tòa trước xét xử rồi nên mong HĐXX xem xét lại." - bị cáo Tuấn nói.
Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn. |
Cũng trong chiều 9-2, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm diễn ra với các luận điểm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư Ngân hàng Vietinbank.
Liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Hưng Yên, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Vietinbank cho rằng, căn cứ vào các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định của Bộ Luật Dân sự thì không thể có việc Vietinbank phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Hưng Yên.
Pháp nhân phải chịu trách nhiệm trả lại tài sản khi giao trách nhiệm cho các cá nhân mà cụ thể ở đây là Huyền Như. Ngân hàng không hề giao trách nhiệm cho Huyền Như huy động vốn, không hề giao nhận tiền gửi vượt trần, không giao trả hoa hồng môi giới.
Hành vi của Huyền Như ở đây là giả chữ ký, giả con dấu, cùng với hàng loạt hành vi ngụy tạo… để có thể chiếm đoạt tiền. Vì vậy, Huyền Như phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 200 tỷ đồng bị chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên.
Với Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, đáp lại ý kiến công ty này không hề nhận lãi ngoài, theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Vietinbank, trong một văn bản của người đại diện công ty này đã xác nhận rõ ràng, 5 hợp đồng ủy thác của công ty đều cộng thêm 2% lãi suất.
Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu đã có tài khoản ở Nam Sài Gòn, vẫn mở tài khoản khác. Việc mở tài khoản này là nhằm cho mượn tài khoản, cho thuê tài khoản…Hành vi này tiếp tay cho Huyền Như lừa đảo.
Các quan điểm của luật sư cho rằng, cũng giống như trường hợp Công ty Hưng Yên, ngân hàng không phải bồi thường cho Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu.
Còn đối với Công ty Phương Đông cho rằng, việc chuyển tiền là thật, tài khoản là thật, và việc mất tiền là trách nhiệm của ngân hàng, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Vietinbank phản biện, tài khoản không giả, tiền không giả, nhưng các giao dịch lại là giả, thỏa thuận gửi tiền cũng trái quy định của pháp luật.
Với Công ty SBBS, luật sư cho hay, xuyên suốt hành vi, mục đích, thủ đoạn của Huyền Như là chiếm đoạt tiền của Công ty SBBS. Mục đích này chi phối toàn bộ các thủ đoạn, cách thức lừa đảo. Thiệt hại của SBBS là kết quả của giao dịch bất hợp pháp với Huyền Như.
Với trường hợp của Công ty An Lộc, luật sư cho rằng, ngân hàng không phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt.
Sau phần bào chữa của các luật sư, VKS nêu quan điểm cho rằng, thời điểm năm 2010 Huyền Như đã lâm vào cảnh nợ nần. Trước sự việc đó, bị cáo đã tính tới việc huy động tiền gửi để chiếm đoạt tiền.
Bị cáo đã làm giả con dấu ngân hàng, làm giả con dấu của đối tác và đưa ra thông tin, Vietinbank huy động vốn chứ không phải là Huyền Như. Đây là ý thức phạm tội của bị cáo. Chính vì vậy bị cáo đã tạo ra một chuỗi hành vi giả dối để người có tài sản lầm tưởng.
Quan điểm của VKS là Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty trên.
Trong buổi sáng cùng ngày, phiên tòa đã diễn ra với phần tranh luận. VKS đã nêu quan điểm luận tội đối với hai bị cáo.
Theo đó, VKS cho rằng số tiền mà bị cáo Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty hơn 1.085 tỉ đồng là hành vi đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, VKS đề nghị tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về tội 'Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản', Võ Anh Tuấn từ 12-14 năm tù cùng về tội danh trên.