Sử dụng thực phẩm an toàn trong dịp Tết
Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 11/02/2018
Ông Trần Văn Chung. |
Cảnh giác ngộ độc thực phẩm
- Thực phẩm trên thị trường hiện nay có rất nhiều chủng loại khác nhau, tùy theo nguồn cung cấp, cách sơ chế, chế biến, tính khả dụng... Xin ông cho biết, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của các loại thực phẩm?
- Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời cũng là nguồn gây bệnh, nếu không bảo đảm an toàn. Trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, nếu không tuân thủ nghiêm những quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thì nguy cơ bị nhiễm khuẩn là rất cao. Chẳng hạn với những thực phẩm như thịt, cá... có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh: Tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng… Còn khi thịt, cá bị nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản...) với nồng độ quá mức cho phép sẽ gây ra ngộ độc. Không chỉ là những triệu chứng ngộ độc cấp tính, mà còn có khả năng tích lũy, tồn lưu hóa chất trong cơ thể gây độc hại cho tế bào, biến đổi gen, gây ung thư. Tương tự, đối với rau, củ, quả cũng có nguy cơ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, có vi sinh vật gây bệnh. Đối với thực phẩm bao gói sẵn, có nguy cơ ngộ độc bởi chất tạo màu cấm sử dụng, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép hay bị biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu, quá hạn sử dụng...
- Vậy làm thế nào để nhận biết thực phẩm an toàn và không an toàn, thưa ông?
- Thị trường thực phẩm Tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông, đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác, thông tin đầy đủ, không hỏng, mốc. Đặc biệt, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần lưu ý chọn mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, có uy tín, được phép kinh doanh thực phẩm, thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm… Người tiêu dùng cũng hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt, vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Việc lựa chọn thực phẩm an toàn của người tiêu dùng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đồng thuận, trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”.
- Xu hướng tiêu dùng mới của nhiều gia đình trong dịp Tết những năm gần đây là lựa chọn thực phẩm được bán trực tuyến trên mạng xã hội. Theo ông, chất lượng của những thực phẩm này có bảo đảm an toàn không?
- Phải thừa nhận rằng, mua đồ thực phẩm trên mạng cũng có những ưu điểm như tiện, không cần ra chợ chọn lựa, cũng không cần mất công chế biến. Ngồi một chỗ, chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn là đã có dịch vụ mang đến tận nơi. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng bán cũng đúng như quảng cáo. Bởi lẽ, hầu hết các cửa hàng chế biến sẵn là các cơ sở tự phát, theo hộ gia đình, kinh doanh online không có giấy phép cũng như các sản phẩm chế biến cũng không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Các khách hàng biết đến cửa hàng thông qua Facebook, các trang rao vặt và các món ăn chỉ được chủ cửa hàng cam đoan bằng miệng, chứ không hề có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thực phẩm, thức ăn được bán qua mạng, không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh...
- Ông nghĩ sao khi nhiều gia đình có thói quen tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết?
- Tâm lý nhiều người Việt cả năm mới có cái Tết, nên thích tích trữ thực phẩm vì sợ thiếu. Tuy nhiên thói quen tích trữ đồ ăn, đồ uống… cũng khiến thực phẩm dễ bị biến chất, ôi thiu. Hơn nữa, ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán thường hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Vì thế, thực phẩm bảo quản không tốt rất dễ bị nấm mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, các loại thực phẩm có nhiều đạm như: Thịt, cá, giò, bánh chưng… dễ bị ôi thiu. Nhiều người nghĩ rằng, tủ lạnh chính là chiếc kho có thể bảo quản thực phẩm hiệu quả trong suốt mấy ngày Tết, nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Tủ lạnh chỉ làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn, chứ không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Không những vậy, đưa quá nhiều loại thực phẩm vào cùng chỗ, chỉ cần một món ăn bị nấm mốc sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm các vi khuẩn, nấm mốc sang các thực phẩm khác.
- Nếu mua sắm, bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng cách, “thảm họa” ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết là khó tránh khỏi?
- Đúng vậy! Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra sau khi ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm độc. Việc mua sắm khối lượng lớn các thực phẩm không rõ nguồn gốc hay lưu trữ thức ăn lâu ngày trong dịp Tết... có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng trong dịp Tết. Hiện nay, ngày mùng 1, mùng 2 Tết, các siêu thị, các chợ đã mở cửa bán hàng. Các sản phẩm tươi sống như: Thịt, cá, rau, củ quả… luôn có sẵn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Ăn uống khoa học, hợp lý
- Người dân đang có xu hướng săn lùng lợn ở các vùng núi vì nghĩ đây là lợn “sạch” không gây bệnh. Việc sử dụng nguồn thực phẩm này có bảo đảm an toàn không, thưa ông?
- Người dân thường có quan điểm cho rằng, lợn do gia đình nuôi, chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn “sạch” và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thú y, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn mà không gây bệnh cho con vật. Do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn (cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh), trong máu (tiết canh) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Ở nhiệt độ 25 độ C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.
Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm khoảng 60%-100%. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín như: Tiết canh, nem chua, nem chạo… hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da, đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm... Một điểm cần lưu ý, sau khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau do bệnh không để lại miễn dịch lâu dài trong cơ thể người, vì vậy cần duy trì thường xuyên thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.
- Người Việt còn có thói quen uống nhiều rượu, bia trong những ngày Tết, ông có khuyến cáo gì?
- Ngày Tết, gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nếu uống nhiều rượu, bia, đặc biệt ép nhau uống rượu, bia đến say thì không phải là “văn hóa” và hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Năm nào, vào thời điểm cận Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu cũng gia tăng. Ngoài ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), việc lạm dụng rượu, bia, nhất là rượu, bia không rõ nguồn gốc còn gây xơ gan, thủng dạ dày, tụt đường huyết... Chưa kể, việc lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết còn gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho chính mình và người khác, mỗi người cần nâng cao ý thức tự kiềm chế bản thân, biết vui có chừng, dừng đúng lúc. Tuyệt đối không sử dụng các loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh bị ngộ độc.
- Làm sao để có những ngày Tết đúng nghĩa “vừa khỏe, vừa vui”, thưa ông?
- Người dân cần tiết chế trong ăn uống, xây dựng cho mình cách ăn uống khoa học, hợp lý, hạn chế rượu, bia. Đừng nên ăn quá nhiều chất đạm, chất béo đến mức làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nên hạn chế ăn các nhóm thực phẩm cay chua, thực phẩm lên men… Trong mỗi bữa ăn ngày Tết nên tăng cường thêm rau xanh, hoa quả tươi để cân bằng năng lượng cho cơ thể. Vì rau xanh, hoa quả tươi cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và chế biến món ăn, hạn chế tối đa việc ăn tại các hàng quán lưu động ngoài đường. Nếu ăn ở ngoài thì nên chọn những hàng quán cố định, có uy tín, được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm.
- Trân trọng cảm ơn ông!