Cải thiện tầm vóc Việt: Vẫn… “lực bất tòng tâm”?
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:09, 11/02/2018
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao thường xuyên sẽ giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện. |
Chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng ít
Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030”. Theo đó, một trong nhiều mục tiêu mà đề án đặt ra là nâng chiều cao trung bình nam thanh niên 18 tuổi lên 167cm vào năm 2020, với nữ thanh niên mục tiêu tương ứng là 157cm; đến năm 2030 mục tiêu là nam thanh niên cao trung bình 168,5cm, nữ 158,5cm.
Tại lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu và triển khai Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, chiều cao của người Việt Nam tăng rất ít trong những năm qua. Cụ thể, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Chiều cao này còn thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á. Thậm chí, nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của người Việt cũng bị xếp vào nhóm thấp, chỉ nhỉnh hơn Indonesia và thấp hơn nam giới Campuchia 0,4cm (nữ giới thấp hơn 0,2cm). “Thể lực và tầm vóc người dân còn hạn chế là vấn đề khiến những người làm trong ngành… đau đầu. Bởi sau nhiều năm thực hiện các biện pháp can thiệp vẫn không “thúc” được chiều cao thanh niên nước ta phát triển như các nước trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Mới đây, trả lời về những khó khăn khi triển khai “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030”, ông Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng điều phối đề án cho biết: "Chúng tôi rất muốn đề án hoạt động hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra nhưng quả thật… “lực bất tòng tâm”. Gần như không có kinh phí để thực hiện đề án". Còn ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, với đề án phát triển tầm vóc người Việt nêu trên, để đạt được hiệu quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ giữa các bộ, ngành. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chung tay vào cuộc, không thể mãi trông chờ ngân sách trung ương. Thế nhưng, thực tế, sự vào cuộc của địa phương trong vấn đề cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể lực còn hạn chế. Đơn cử, trong chương trình xây dựng nông thôn mới có chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhưng tại một số nơi chính quyền địa phương chủ yếu chú trọng đến việc làm đường, phát triển kinh tế, xây dựng trường học, chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của trẻ em…
Chính vì vậy, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện vẫn ở mức cao (chiếm gần 25%), cá biệt tại khu vực miền núi phía Bắc là 30,3%, Tây Nguyên lên tới 34,2%. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng chưa được cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%.
Cần gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Chế độ dinh dưỡng phù hợp có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của trẻ em. Ảnh: Thái Hiền |
Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nguyên nhân của thực trạng thấp lùn chủ yếu do vấn đề dinh dưỡng (chiếm đến 50%) rồi mới tới yếu tố di truyền (chiếm 20%). Vì vậy, để cải thiện chiều cao, thể lực của người Việt cần phải can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt về chế độ dinh dưỡng, trọng tâm là chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, quan tâm đến phụ nữ mang thai và quan tâm đến vận động thể lực cho lứa tuổi dậy thì.
Về lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế, nguồn lực cho công tác dinh dưỡng ở nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ tập trung cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động… chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lượng và thành phần dinh dưỡng. Mặt khác, ở một số nơi, nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm do thiên tai vẫn xảy ra. Người dân chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng, dinh dưỡng phù hợp cho từng nhóm đối tượng, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời, trong bữa ăn của mỗi gia đình cũng chưa bảo đảm đủ nhu cầu dinh dưỡng…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tới đây, Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, tình trạng thừa cân, béo phì, trong đó xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú… Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đưa chỉ tiêu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huy động nguồn lực tại chỗ, triển khai các can thiệp dinh dưỡng đặc thù, đặc biệt ưu tiên giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng sâu, vùng xa và tình trạng béo phì của lứa tuổi học đường ở khu vực đô thị.
Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, yếu tố quan trọng với tăng trưởng chiều cao và thể lực con người là chế độ ăn, giấc ngủ và tập luyện thể dục, thể thao. Cụ thể, mọi người nhất là trẻ em phải được ngủ đủ giấc, không được thức khuya. Còn chế độ ăn phải bảo đảm đủ năng lượng và vi chất dinh dưỡng, theo tháp dinh dưỡng từng lứa tuổi. Về chế độ tập luyện, mỗi tuần nên thực hiện 5 ngày thể dục và 2 ngày thể thao. Đối với 5 ngày thể dục là dành 30 phút/ngày để trẻ tập luyện các bài thể dục, kết hợp làm việc nhà. Hai ngày cuối tuần nên dành 30 phút/ngày để rèn luyện thể thao, đặc biệt các môn có thể kéo giãn cơ thể như bơi lội, bóng rổ, đu xà... |