Tết ấm áp nơi lũ đi qua
Đời sống - Ngày đăng : 08:07, 11/02/2018
Đại diện những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ đến UBND xã nhận quà Tết. |
Vượt qua khó khăn
Dẫn chúng tôi thăm vườn rau xanh mướt, cây trái trĩu quả, ông Nguyễn Hữu Lý, xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) phấn khởi: “Cây cối đã hồi sinh, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định. Tôi không dám tin mọi thứ trở lại quỹ đạo nhanh đến thế”. Ông Lý cho biết, trong đợt mưa lũ tháng 10-2017, xóm Nằng bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn, khiến cuộc sống của hàng chục hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian “sống chung với lũ”, các hộ dân nhận được sự hỗ trợ kịp thời về lương thực, thực phẩm, nước uống và các đồ dùng thiết yếu khác, nên không có ai thiếu ăn. Sau lũ, các hộ vẫn được chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho hay, xã có gần 500 hộ bị ảnh hưởng bởi trận mưa lũ, tập trung nhiều nhất ở thôn Tiến Tiên, gây thiệt hại gần 30 tỷ đồng. 100% số hộ vùng ngập úng đã và đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng với giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Hiện nay, các gia đình đã ổn định cuộc sống, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn ưu đãi để tái sản xuất, chăn nuôi với quy mô lớn.
Do địa hình trũng hơn xã Tân Tiến, thiệt hại vì ngập úng ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) còn nặng nề hơn. Toàn xã có 830 hộ dân (bằng 45% tổng số hộ) bị ngập sâu, kéo dài tới nửa tháng, gây thiệt hại hơn 92 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều hộ sản xuất theo mô hình vườn - ao - chuồng chịu tổn thất khá lớn về kinh tế. Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, ngoài nguồn cứu trợ đột xuất, các ngành, đoàn thể xã Nam Phương Tiến đã thống kê, đánh giá chi tiết, khách quan mức độ thiệt hại của từng hộ, từ đó đề xuất hình thức hỗ trợ phù hợp. Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, sau gần 4 tháng lũ đi qua, cảnh hoang tàn ở xã Nam Phương Tiến được thay bằng những thảm rau xanh đến kỳ thu hoạch, lúa non phủ kín đồng, gà, lợn đầy chuồng, vịt bơi đầy ao,…
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, năm 2017, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã chỉ đạt hơn 33 triệu đồng, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Phương Tiến thống nhất, đồng lòng thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân lên 41 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%.
Tương tự Tân Tiến và Nam Phương Tiến, đến thời điểm này, những xã bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ kéo dài cuối năm 2017 trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức đã cơ bản khắc phục xong hậu quả. Người dân nhận được sự động viên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.
Phấn khởi đón Tết
Giúp nhân dân vùng lũ đi qua đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất an vui, người người, nhà nhà, ngành ngành tiếp tục dành cho họ sự quan tâm đặc biệt. Ngoài quà Tết của trung ương và TP Hà Nội, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ bị thiệt hại nặng do thiên tai còn được nhận quà từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm.
Từ đầu tháng Chạp đến nay, hàng trăm hộ dân khó khăn trên địa bàn xã An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) hân hoan nhận được quà. Có hộ được tặng hàng hóa thiết yếu và tiền mặt, có hộ được tặng bò sinh sản, xe đạp cho con em đến trường… “Ông cha ta thường nói: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhận những món quà Tết mang ý nghĩa của sự quan tâm, chia sẻ, chúng tôi rất cảm động”, ông Lê Đức Thụ, thôn Đức Dương, xã An Phú bày tỏ.
Tại huyện Chương Mỹ, 100% hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều có quà Tết. Nhận quà Tết mức 800.000 đồng, bà Nguyễn Thị Tiếp, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến cho hay: “Hoàn cảnh gia đình tôi đã khó khăn, gặp mưa lũ lại càng thêm khó. Tôi sẽ dùng số tiền này mua quần áo mới cho hai cháu ngoại, mua gạo nếp gói bánh chưng, thịt lợn ăn Tết. Gà và rau củ nhà tôi có sẵn rồi. Rất may là gia đình tôi cũng có cái Tết đủ đầy, đầm ấm”.
Đối với gia đình anh Nguyễn Văn Phố, thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, quà Tết năm nay thật đặc biệt. Bởi sau nhiều năm trú ngụ trong căn nhà lụp sụp chừng 10m2, Tết này gia đình anh chuyển lên nhà mới - căn nhà khang trang, sạch sẽ vừa hoàn thành nhờ một phần kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. “Có nhà mới, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo vào cuối năm 2017. Dù đang cận nghèo, nhưng chúng tôi sẽ chăm chỉ làm việc để cái nghèo không đeo bám lâu nữa”, anh Nguyễn Văn Phố tin tưởng.
Bảo đảm cho nhà nhà có Tết, người người vui đón Tết, cán bộ các địa phương vùng lũ đi qua đã đến tận nhà một số gia đình thăm hỏi, tặng quà. Sự quan tâm giản dị mà chân tình đó chắp thêm niềm tin, động lực cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên.