Trường Sa Xuân đến, Trường Sa Xuân về
Xã hội - Ngày đăng : 14:46, 12/02/2018
Các chiến sĩ đảo Trường Sa Đông gửi lời chúc Tết về đất liền. |
Chở Xuân ra đảo
Chuyến tàu KN - 490 như một cánh én báo hiệu mùa Xuân đến sớm ở Trường Sa. Sau hơn hai ngày rời cảnh Cam Ranh, KN - 490 đã cập bến đầu tiên ở Đảo Đá Đông, rồi Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Lát, Trường Sa... Hàng hóa mang ra cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết cổ truyền đủ cả, từ nhu yếu phẩm đến lá dong, gạo nếp, thịt lợn, su hào, bắp cải, hành khô, quất cảnh… đến những ống giang làm lạt buộc bánh chưng. Di chuyển hàng trăm hải lý từ đất liền, nhưng những trái quất vẫn tươi, căng mọng như khi ở đất liền... Theo Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác, đối với huyện đảo Trường Sa, nơi tuyến đầu Tổ quốc, để bảo đảm được Tết cổ truyền dân tộc đến với toàn quân và dân trên đảo, tất cả những món hàng mang ra đảo đều được chuẩn bị chu đáo, để có một cái Tết no đủ, đầm ấm không khác đất liền cho anh em chiến sĩ.
Khi những phần quà từ đất liền mang đến, cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa chuẩn bị bữa cơm Tất niên thịnh soạn đón chúng tôi. Xong bữa cơm đầm ấm, chúng tôi được hòa mình vào không khí Tết với những cung bậc cảm xúc khó tả. Tết ở Trường Sa cũng như trong đất liền, không khí chào đón năm mới rộn ràng khắp đảo. Nhận quà Tết từ đất liền, Trung tá, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lương Quốc Anh chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định đơn vị là nhà, đồng chí là anh em. Dịp này, đảo tổ chức rất nhiều hoạt động để anh em chiến sĩ vui Xuân mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị trang trí trên đảo. Có ban thờ Bác Hồ, ban thờ tổ tiên ngày Tết rất gần gũi với đất liền. Bên cạnh những chuyến hàng từ đất liền, đảo đã phát huy nội lực, tăng gia sản xuất, chuẩn bị tốt về lương thực thực phẩm, có đầy đủ thực phẩm cho ngày Tết”.
Tết ở Trường Sa còn có những trò chơi dân gian như, hái hoa dân chủ, biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn, chơi cờ tướng, cờ vua… Các chiến sĩ còn gói bánh chưng, tổ chức lễ đón giao thừa và chúc nhau những lời ý nghĩa. Đã nhiều lần đón Tết, nhưng với nhiều chiến sĩ, đây là lần đầu tiên trong đời được đón cái Tết giữa biển trời mênh mông nơi điểm đầu Tổ quốc. Trung sĩ Nguyễn Văn Đại quê ở TP Hà Nội cùng anh em chiến sĩ khác trang trí ban thờ Tổ quốc và cây quất cảnh được mang từ Hưng Yên ra. Vừa làm, Đại vừa chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đón Tết ở Trường Sa. Mặc dù nhớ nhà, nhưng ở đây lại có đồng đội nên em cũng thấy rất vui. Tết ngoài đảo cũng chẳng khác gì đất liền. Anh em cùng nhau trang trí ban thờ Tổ quốc, chép tay những vần thơ, những dòng nhật ký để trang trí lên tờ báo Tết treo tường. Vui lắm!”.
Các chiến sĩ trang trí cây mai đón Tết cổ truyền của dân tộc. |
Cũng là gói bánh chưng ngày Tết, nhưng khi nhìn những cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa chuẩn bị lá dong, gạo nếp và các vật liệu để gói bánh, thoảng trong mùi trầm hương giữa nơi trùng dương, chúng tôi như cảm thấy có gì đó linh thiêng, ý nghĩa hơn. Không khí đầm ấm, rộn ràng như thắt chặt thêm tình cảm quân dân nơi đảo xa. Đến gần trưa, số bánh đã được gần trăm cái, trong đó có nhiều cái được gói bằng lá bàng vuông trên đảo. “Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông cũng như gói bằng lá dong, lá chuối ở đất liền. Bánh chưng vẫn xanh như bánh bình thường, những vị bánh hơi lạ, chan chát, nhưng cũng rất đặc biệt”- Thiếu tá Trần Văn Huyền cho hay.
Khó có thể nói hết tình cảm sâu nặng của người dân đất liền với bộ đội Trường Sa. Dẫu biết đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa hiện nay đã cơ bản được đáp ứng, song những phần quà, tình cảm từ đất liền gửi ra bao giờ cũng được nâng niu, trân trọng. “Những ấm áp của đất liền đã được chuyển đến và tặng cho chiến sĩ, quân và dân trên đảo đón Tết Nguyên đán. Cán bộ, chiến sĩ sẽ đón Tết trên tinh thần vui xuân mới không quên nhiệm vụ của những chiến sĩ ở nơi tuyến đầu Tổ quốc mà nhân dân đã giao phó”- Đại tá Trần Minh Thuần cho biết thêm.
Mang Xuân ấm về đất liền
Cầm trên tay cành san hô mang về đất liền tặng người yêu, Trung sĩ Lương Thế Anh (tỉnh Thái Bình) chia sẻ: "Ngoài đảo chẳng có gì nhiều, em chỉ mang về cành san hô tặng người yêu và kể cho cô ấy về cuộc sống sóng gió với tình đồng đội nơi đây”. Còn Trung úy chuyên nghiệp Đặng Việt Đức (tỉnh Hải Dương) mong mỏi ngày tàu cập bến hơn bao giờ hết. Khi được hỏi chuyện, anh cười tươi, không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt: “Tôi đã ăn 2 Tết liền ngoài đảo Đá Tây. Tết này tôi về ăn Tết cùng gia đình và cưới vợ. Cô ấy là hàng xóm, đã chờ đợi tôi mấy năm nay”.
Khi con tàu KN – 490 đến Trường Sa cũng là lúc Đại úy Trần Văn Lãm (tỉnh Thái Bình), Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Đông B hết nhiệm kỳ công tác. Trong buổi liên hoan chia tay tạm biệt anh em, đồng đội, anh cũng không khỏi lưu luyến. Cũng dễ hiểu bởi anh cũng đã 2 lần ăn Tết ngoài đảo cùng anh em chiến sĩ. Nhưng lần này về quê ăn Tết cùng gia đình, anh Lãm lại có thêm một niềm vui đặc biệt. Đó là anh được “lên chức bố”. Anh đã có cô con gái được hơn 6 tháng tuổi, nhưng chưa từng được ẵm con trong tay lần nào. Anh Lãm tâm sự: “Đợt này về nghỉ phép, nghỉ Tết, tôi sẽ dành thời gian chăm sóc để bù đắp tình cảm cho vợ con và gia đình”.
Quân và dân trên đảo Trường Sa cùng gói bánh chưng đón Tết Mậu Tuất. |
Năm nay là 4 năm ăn Tết ngoài đảo, Thiếu tá Nguyễn Đức Khánh (Quảng Ninh), Chính trị viên Cụm chiến đấu số 2 đảo Trường Sa Đông chia sẻ: “Đón Tết ở Trường Sa đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân đều có một cảm xúc khác nhau. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự. Niềm yêu thương gửi về đất liền thì nhiều lắm, nhưng hơn cả, với trách nhiệm của người lính canh giữ biển trời Tổ quốc, chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu. Lời nhắn gửi với đất liền là, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”.
Ở bất cứ đảo nào, câu trả lời mà chúng tôi nhận được đều là như thế: “Chúng tôi muốn nhắn gửi người thân, đồng bào đất liền hãy yên tâm đón một cái Tết cổ truyền trọn vẹn, vui vẻ. Ở nơi hải đảo, các chiến sĩ chúng tôi luôn vững chắc tay súng, giữ bình yên vùng trời Tổ quốc”.
Ngày chuyến tàu KN - 490 rời Trường Sa cũng như 3 chuyến tàu còn lại, sẽ chở những cán bộ chiến sĩ về đất liền đón Tết cùng gia đình thân yêu của mình. Những niềm nhớ của người mẹ mong con, nỗi nhớ của người vợ xa chồng, sự hân hoan, háo hức mong ngóng cha về của những đứa trẻ đã được thỏa lòng mong ước. Mùa Xuân đã về trên từng hòn đảo tiền tiêu và mùa Xuân cũng về trong từng ngôi nhà trên đất liền ngọt ngào, ấm áp và hạnh phúc…