Xe nhập gặp khó, xe lắp ráp vẫn bán chạy
Xe++ - Ngày đăng : 08:01, 13/02/2018
Những dòng xe lắp ráp trong nước đang tỏ rõ ưu thế trong giai đoạn đầu năm 2018. |
Hầu hết các hãng xe tại Việt Nam gặp khó khăn trong hoạt động nhập khẩu ô tô về nước. Vì vậy, dù năm 2018, thị trường ô tô được kỳ vọng sẽ có sự đột phá, khi biểu thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm xuống còn 0%. Tuy nhiên, khi kết thúc tháng 1-2018, thị trường này đã không phát triển như mong đợi.
Một ví dụ điển hình là với Toyota, vốn hiện đang sở hữu cả hai lĩnh vực nhập khẩu và lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam. Với các mẫu xe lắp ráp trong nước, thương hiệu Nhật Bản chứng kiến mức doanh số vẫn khá tốt trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang tới gần. Theo ghi nhận, trong tháng 1-2018, tổng số xe Toyota (không bao gồm Lexus nhập khẩu) tới tay người tiêu dùng là 5.131 xe, chỉ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh số bán của phân khúc xe du lịch đạt 3.589 xe và phân khúc xe thương mại đạt 1.542 xe. Nhiều mẫu xe của TMV cũng nằm trong danh sách các mẫu xe bán chạy nhất thị trường trong tháng 1-2018 như Vios, Innova và Corolla Altis.
Ngược lại, doanh số các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc và phân phối bởi Toyota Việt Nam đều bị ảnh hưởng, với số lượng tới tay khách hàng không nhiều, như: Yaris 3 xe, Prado 56 xe, Land Cruiser 13 xe và Hiace 2 xe. Thậm chí, hai dòng xe rất ăn khách là Fortuner và Hilux cũng chỉ đạt tương ứng 35 xe và 130 xe.
Tương tự với Honda, chiếc sedan cỡ nhỏ lắp ráp trong nước City của thương hiệu này trong tháng 1 đã giao 974 xe tới tay khách hàng (tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm ngoái), mức cao nhất kể từ khi dòng xe này bán tại Việt Nam. Trong khi đó, đàn anh CR-V tuy vẫn duy trì mức doanh số ấn tượng, với 737 xe trong tháng đầu năm, nhưng phần lớn các hợp đồng đều tập trung vào khoảng đầu tháng 1-2018 nhằm "vớt" số xe vốn được nhập về từ tháng 12-2017 để phục vụ giai đoạn đầu năm. Sau lô xe này, Honda Việt Nam vẫn loay hoay chưa rõ thời điểm có hàng tiếp theo cho "xe nhập".
Nhìn chung, những thay đổi từ chính sách đang góp phần tác động sâu rộng đến thị trường ô tô Việt Nam. Xe nhập khẩu từ các nước ASEAN, từng được cho sẽ nắm nhiều lợi thế cạnh tranh khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% từ 2018, giờ đây đang phải đối mặt với không ít rào cản xuất phát từ Nghị định 116. Trong khi đó, có thể thấy các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa đang dần thể hiện rõ tác dụng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước.