Những đường luồn trong phố

Giao thông - Ngày đăng : 16:08, 14/02/2018

(HNM) -  Đường luồn - lũ trẻ con ở phố cổ vẫn gọi những “con đường” có thể thông từ phố này sang phố khác, đường này sang đường kia.


Hành trình đi ngược thời gian

Không chỉ riêng chúng tôi, rất nhiều người bất ngờ khi vừa bước chân vào số nhà 57 phố Hàng Ngang, 53 phố Hàng Đường, 92 Hàng Bạc... Sau khi làm một hành trình dài đi qua những căn hộ chuồng chim, bước trên những cầu thang gỗ ọp ẹp còn lại từ thế kỷ trước từ phố này sang phố khác, từ nhà này sang nhà kia, chúng tôi có chung tâm trạng lâng lâng. Vô cùng thú vị khi tự mình khám phá một phần còn lại của hồn phách phố phường.

"Không phải người Hà Nội gốc thì không thể biết và thông thạo tất cả mọi ngõ ngách của thành phố tới gần 10 triệu dân này" - nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch khẳng định với chúng tôi như vậy. Nheo mắt ra điều tâm ý, người nghệ sĩ phố cổ bắt đầu kể về những ngõ nhỏ, những số nhà còn lại từ đời nảo đời nào mà vừa khuất mặt trong đó đã thấy xuất hiện ở một phố khác rồi. Câu chuyện này cuốn hút nhiều người xung quanh, quán cafe ngay sát rạp Chuông Vàng phố Hàng Bạc cũng tự nhiên thêm chật chội vào một chiều mùa đông se sắt.

Chuyện của nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch bắt nguồn từ người bạn thân là họa sĩ Hà Huy dân chính gốc Hàng Bạc, Hàng Bè, chúng tôi chợt nhớ hình như đã đọc ở đâu đó những dòng thế này: “Khu phố cổ Hà Nội vẫn là một kho báu tinh thần mà người xưa gửi cho hôm nay để rồi truyền lại cho đời sau”. Câu chuyện khám phá những mảnh ghép làm nên phố cổ mang đến cho mỗi người một sự liên tưởng khác nhau. "Nhiều người tự cho mình sinh ra ở Thủ đô, thế là hiểu biết quá rõ về Hà Nội rồi chẳng cần đến một cuốn từ điển mang theo bên mình. Nhưng khi hỏi về những khái niệm đường luồn thì... ậm ờ. Chỉ có dân 36 phố phường chúng tớ là được nghe các cụ kể lại và trực tiếp chứng kiến mới có thể biết được" - họa sĩ Hà Huy lúc này mới lên tiếng.

Trong một ngày mưa phùn lây dây cuối năm, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá đường luồn vào số nhà 57 Hàng Ngang. Ông chủ bán ô mai trước cửa thấy một đoàn lỉnh kỉnh máy ảnh bắt đầu liếc xéo - những cái nhìn khả nghi dò xét. Một anh bạn trong đoàn gật đầu chào người chủ nhà như bày tỏ một cử chỉ thân thiện. Chỉ đợi có vậy, ông chủ bán ô mai như người gác đền đi theo nhằng nhẵng, vừa lẩm bẩm quát cả đoàn quay lại. Mặc kệ anh ta, nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch và họa sĩ Hà Huy vẫn đủng đỉnh hai tay đút túi bước tự tin trên những bậc thang gỗ ọp ẹp lên tầng hai, lòng vòng qua những căn hộ chia ô ẩm, tối, bé toen hoẻn. Đi trong không gian mờ như hũ nút, phải dò bằng cảm nhận của đôi chân có mắt, chúng tôi xuống bằng một chiếc cầu thang hun hút cuối số nhà. Qua chiếc cầu thang chênh vênh đó chợt sang không gian khác. Ngõ Nội Miếu hiện ra trước mắt trong sự ngạc nhiên. Rời khỏi số nhà chẳng mấy thiện cảm 57 Hàng Ngang, học sĩ Hà Huy và nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch lúc đó mới quay lại nói: Vẫn còn nhiều thú vị đang chờ! Và hành trình tiếp theo của chúng tôi bắt đầu ngay với số nhà bên cạnh từ ngõ Nội Miếu. Cũng lòng vòng qua những căn hộ san sát nhau trong cùng một số nhà. Cũng lên cũng xuống qua những chỗ tối hun hút để lại nhìn thấy phố Hàng Đường thấp thoáng qua ánh sáng đèn của một cửa tiệm. Lần này là số nhà 53 Hàng Đường ngay cạnh chỗ “người gác đền” bán ô mai. Vừa đi vào rồi đi ra, “người gác đền” nhìn cả đoàn ngạc nhiên mà chẳng nói điều gì, nhưng chúng tôi đều đọc được câu lẩm nhẩm: “Đúng là hâm”!

Họa sĩ Hà Huy kể, trước đây ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Bồ còn rất nhiều đường đi thông từ nhà này sang nhà khác, từ phố nọ sang phố kia như vậy. Những năm 80 của thế kỷ trước khi phố phường còn thưa thớt, cửa hàng thì ít mà bách hóa thì nhiều, đám trẻ vẫn chơi trốn tìm qua các ngõ sâu, các số nhà hun hút bí ẩn như vậy. Ví như số nhà 53 Hàng Ngang tầng một là bách hóa, số nhà 25 là một xưởng may lớn, số nhà 47 Hàng Đường dài thông sang được cả Hàng Buồm, hay bên phố Hàng Bạc cũng có nhà 86, nhà 92 và nhà 102 đi sang được ngõ Hài Tượng nhưng nay đã bị lấp bằng nhà ở. Xa hơn nữa, ngày xưa đoạn giữa phố vẫn còn một ngõ nhỏ đi thông sang ngõ Nội Miếu nhưng nay đã bị bít mất dấu từ lúc nào. Những đứa trẻ thế hệ từ 8x trở về lớn lên trên phố vẫn gọi thiên đường của trò chơi đuổi bắt, ú tim đấy bằng cái tên rất ngây thơ đường luồn.


Trong lòng những lớp văn hóa

Những người già kể lại, hồi xưa quanh ngõ Nội Miếu và phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, cánh “chú khách” vẫn ở lẫn với người Việt, cứ thấy trẻ con là bạt tai, đá đít, thấy phụ nữ là chòng ghẹo. Bà con cứ phải dùng nồi xoong, những vật gì có thể kêu được và gõ ầm ĩ đuổi chúng đi. Phố Lương Ngọc Quyến lúc đấy còn là một ngõ cụt, chặn ngang phố chỗ gia đình ông Phạm Bằng bán bánh trôi Tàu bây giờ là một hiệu cao lâu của các “chú khách”. Về sau này người Pháp mở phố Hàng Giầy thông sang Ngõ Gạch, hiệu cao lâu mới bị phá. Còn ngõ Nội Miếu trước đây thông được sang phố Hàng Đào mà còn hẳn một ngõ lớn đi ra ngay giữa phố Hàng Bạc đã bị bít lại... Diện mạo cả khu “phố khách” đã đổi thay, trở thành phố buôn bán sầm uất.

Về địa giới không gian khu phố cổ có thể coi đó là một hình tam giác cân có đỉnh là phố Hàng Than, cạnh phía Đông là đê sông Hồng, cạnh phía Tây là phố Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da nối với trục Hàng Bông - Hàng Gai - Cầu Gỗ. Sách cũ còn ghi, trước khi người Pháp đến, các phố đều chung một dáng, chi chít dọc ngang kiểu bàn cờ, phần lớn mang tên gọi của mặt hàng sản xuất hay kinh doanh tại những nơi đó: Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Bồ... Nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch nói rằng, lớp hậu sinh sau này chẳng biết thế nào cứ gọi những "di tích" còn lại đó là "siêu số nhà". Cứ nhẩm tính thế này, từ đầu ngã tư Hàng Ngang, Hàng Đường với Lãn Ông, Ngõ Gạch bằng cả chiều dài của mấy số nhà đó - sơ sơ cũng vài trăm mét. Theo một điều tra dân số được công bố mấy năm trước, trong khu phố cổ còn những số nhà có tới 20 - 30 hộ sinh sống. Ví như số nhà 25 Hàng Ngang hiện tại là khu tập thể của 3 nhà máy nên có tới hàng chục hộ dân.

Họa sĩ Hà Huy kể: Cha tôi vốn là Trung đội trưởng tự vệ phố Hàng Bè có nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa làm công tác hậu cần cho Liên khu I những năm toàn quốc kháng chiến có nói rằng, để tích trữ lương thực, vũ khí đạn dược và làm nơi cứu chữa thương binh, ở khu chợ Hàng Bè (gồm ngõ Trung Yên và phố Gia Ngư cùng khu vực các phố liền kề như Hàng Bạc) có nhiều ngôi nhà đã được đục thông với nhau. Là thế hệ người Hà Nội sinh ra trước giải phóng Thủ đô nên họa sĩ Hà Huy còn nhớ rõ, cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều ngôi nhà trên phố Hàng Bạc vẫn đi được sang phố khác, thậm chí là đi qua nhà nhau... Chính thế hệ con cháu của họa sĩ Hà Huy lớn lên sau này đã gọi tên những con đường đó là đường luồn, nghĩa là luồn lách từ nhà này sang nhà nọ, từ phố này sang phố kia. Kỷ niệm về trò chơi trốn tìm của lớp thanh niên thế hệ 7x lớn lên trong phố luôn nhắc đến một không gian độc đáo như thế.

Một nhà nghiên cứu về Hà Nội từng lý giải về những con đường luồn như sau: Đó là sự chồng lên của hai lớp văn hóa vì trước đây Hà Nội là một cái chợ lớn - Kẻ Chợ. Ngoài cái yếu tố văn hóa đậm nét như đình chùa còn lại thì yếu tố phường hội đã tạo nên tập quán xây nhà hình ống dài, sâu và có cổng sau hướng ra sông. Trước đây sông Tô Lịch còn bao quanh một phần phố cổ, con sông đã lấp rồi nhưng nhìn cây đa, mái đình còn lại, có thể thấy đó là dấu vết của bến sông cũ. Ngõ Gạch trước đây là lòng sông. Ngã tư Hàng Đường và Chả Cá trước đây là móng của Cầu Đông còn ghi lại trong ca dao tục ngữ. Về sau này, do yếu tố của lịch sử để lại, những nhà hình ống một chủ có cổng sau hướng ra sông ngày trước đã có thêm nhiều chủ. Muốn đi đến nhà này bắt buộc phải qua nhà khác. Nhà dài và nhiều chủ thì người ta “chặt” nhỏ ra nên phải chăng mới có những chuyện còn lại như vậy?...

Hiện tại Hà Nội vẫn giữ được một số ngôi nhà cổ. Nhưng do khí hậu, thời tiết, chất liệu, nguyên vật liệu xây dựng, do cả chiến tranh, và nhu cầu ở, buôn bán, kinh doanh của người Hà Nội, diện mạo của khu phố cổ đã thay đổi. Tuy nhiên, từ các nguồn sử liệu khác nhau, hoàn toàn có thể tiếp cận với nhận định: Khu phố cổ đích thực là nhân lõi của Kinh đô Thăng Long từ khi mới thành lập.

Hà Nội đã bước qua dấu mốc 2010 để ghi danh là một trong những thành phố 1.000 năm tuổi của thế giới. Nhiều lắm, những con phố mới mở, những khu đô thị hiện đại, vậy mà vẫn còn được đi trong lòng những lớp văn hóa chất chồng, vẫn được nghe những câu chuyện muôn năm cũ vào ngày xuân mới - đâu chỉ là
duyên may!

Triệu Dương