Chủ động tìm đến doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 14/02/2018
Còn nhiều hạn chế
Hàng hóa Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và hiện đã có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Những kết quả nói trên có sự đóng góp của đội ngũ tham tán thương mại, cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Họ là những người cung cấp thông tin thị trường, tham mưu chính sách với cơ quan có thẩm quyền và “tư vấn” cho doanh nghiệp để thực hiện xuất khẩu hàng hóa.
Đội ngũ tham tán thương mại góp phần giúp thị trường xuất khẩu hàng nông sản đạt kết quả tích cực trong năm 2017. |
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực, nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước (tôm, xoài, thanh long vào Australia; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan - Trung Quốc; nhãn, vải sang Thái Lan...).
Đến nay, có 57 cơ quan thương vụ và 7 chi nhánh thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài. Tuy vậy, hoạt động của các tham tán cũng bộc lộ một số hạn chế. Bộ Công Thương nhận định, có một số nguyên nhân khách quan như vướng mắc, hạn chế về kinh phí, trang bị, thủ tục liên quan... Nhưng, đáng lưu ý là nguyên nhân chủ quan vì thương vụ tại một số địa bàn chưa bao quát hết được yêu cầu công việc, tính chủ động chưa cao, quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan chưa thông suốt.
Tại hội nghị triển khai công tác tham tán và thương vụ năm 2018 vừa được tổ chức tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của thương vụ và tham tán, đồng thời yêu cầu đội ngũ tham tán quán triệt tinh thần chủ động phục vụ doanh nghiệp; tránh tâm lý chờ việc đến mới vào cuộc, tình trạng né tránh, e ngại, thậm chí là chỉ lo việc nhà mình mà nhãng trách nhiệm được phân công. Thủ tướng cũng yêu cầu chấm dứt tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chủ động khắc phục những yếu kém, tránh tâm lý thụ động.
Ưu tiên xuất khẩu nông sản, thủy sản
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để chủ động khắc phục tình trạng trên, mỗi tham tán cần quán triệt tinh thần hợp tác với các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp, làm tốt công tác thu thập và cung cấp thông tin kịp thời, có đề xuất xác đáng với Bộ Công Thương, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với việc hợp tác với đối tác nước ngoài và doanh nghiệp trong xử lý tranh chấp thương mại. Các tham tán cần tập trung thời gian, trí tuệ cho mục tiêu phát hiện thị trường, kể cả việc tìm đối tác phù hợp để tiếp nhận công nghệ, vốn nước ngoài, bên cạnh việc hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của đơn vị trong nước.
Lực lượng tham tán cũng phải chủ động tư vấn để doanh nghiệp tận dụng tốt điều kiện thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước đối tác, kết nối sản xuất và xuất khẩu. Mỗi tham tán, cơ quan thương vụ phải có ý thức tuân thủ kỷ cương, nhất là tự giác rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tránh tụt hậu nhằm đáp ứng yêu cầu công vụ...
Năm nay, Bộ Công Thương yêu cầu các tham tán triển khai một số đầu việc quan trọng, trong đó tập trung thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn phụ trách, theo hướng dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản và những mặt hàng do các đơn vị 100% vốn trong nước sản xuất. Ưu tiên những thị trường mới, trong đó đặc biệt quan tâm những thị trường mà Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại lớn và đề xuất phương án, ý kiến phù hợp nhằm khắc phục sớm. Tiếp theo là thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế của bộ, thu hút công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, trên cơ sở chú trọng các đối tác có tiềm năng hợp tác để kết nối với doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam, tăng cường tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chủ động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường quốc tế...