Thăng trầm biệt thự phố Pháp
Bất động sản - Ngày đăng : 16:15, 14/02/2018
Năm 1888, người Pháp bắt đầu bắt tay vào quy hoạch Hà Nội với mong muốn biến đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ thành một trung tâm chính trị hành chính của chính quyền thuộc địa.
Không gian phố Phan Đình Phùng với những ngôi biệt thự, cây xanh và vỉa hè rộng rãi. |
Một cấu trúc đô thị mới được hình thành với mạng đường ô bàn cờ, có sự kết nối các không gian và những công trình đầu mối làm điểm nhấn. Cây xanh, vườn hoa, hồ nước được đặc biệt coi trọng ngay từ lúc hình thành quy hoạch. Cây được chọn lựa trồng trong vườn biệt thự, dọc các tuyến phố tạo thành mạng lưới. Vườn cây, vườn hoa như những mảnh ghép hài hòa cùng hồ nước vừa tạo dựng cảnh quan đô thị, vừa cân bằng môi trường sinh thái...
Những công trình công cộng và trụ sở cơ quan công quyền như Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), Nhà hát Lớn... được xây dựng theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển, có bố cục dựa trên quy luật đối xứng, nhấn mạnh khu vực trung tâm và hai khối bên cạnh của quần thể. Dưới bàn tay “đạo diễn” của kiến trúc sư tài ba Henri-Auguste Vildieu, dẫu các công trình này chưa thật sự thích nghi với điều kiện bản địa, cũng đủ tạo nên những điểm nhấn vượt thời gian. Cùng với đó là sự biến đổi căn bản về không gian đô thị Hà Nội.
Khu phố Pháp là một “tập hợp” những biệt thự được quy hoạch trên các tuyến phố vuông vắn như bàn cờ, dành cho công chức người Pháp, một số ít người Việt và giới thương gia ở Hà Nội. Mỗi biệt thự có phong cách riêng nhưng thường là có tầng hầm, tường xây dày, hệ thống cửa trong kính, ngoài chớp, mái dốc, tường vàng, cửa sơn xanh, tường rào chạy dọc theo hè phố. Các công trình này chủ yếu được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp, chịu ảnh hưởng của phong cách thuộc địa và đã được “nhiệt đới hóa”. Những chi tiết văn hóa kiến trúc của người Việt cũng được đưa vào đây một cách hài hòa. Và điều dễ nhận thấy, các khu phố Pháp - phố Tây là một quần thể đô thị tương đối đồng nhất về phong cách kiến trúc, chiều cao và mật độ xây dựng.
Với khu vực phố “cổ”, người Pháp tôn trọng tối đa những ngôi nhà ống đã hiện diện trước khi họ chiếm thành Hà Nội, chỉ xây chen vào những ô đất trống hoặc thay thế những ngôi nhà đã bị hư hại. Phong cách kiến trúc Pháp vẫn “thấp thoáng” trong khu vực phố “cổ” là vì vậy.
Phố Pháp - phố Tây, ở một khía cạnh có thể xem là một thứ văn hóa cưỡng bức, nhưng với những khu phố này, Thăng Long - Hà Nội đã có một diện mạo đô thị mới, được quy hoạch “theo bản vẽ” - nghĩa là có tính toán với những định hướng phát triển, khác với phố phường hình thành do nhu cầu tự phát và điều kiện địa ký như khu vực Kẻ Chợ trong thời kỳ Trung đại trước đó. Mặt khác, khu phố Pháp với sự hài hòa giữa tổng thể và chi tiết, giữa công trình kiến trúc và vỉa hè cây xanh... lại gắn với các yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa nên đã để lại dấu ấn đặc biệt và trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội.
Từ sau năm 1954, khu phố Pháp - phố Tây ở Hà Nội trải qua không ít thăng trầm. Công sở trước kia của chính quyền thuộc địa và một số biệt thự được sử dụng làm trụ sở của cơ quan nhà nước hoặc nơi làm việc của các đoàn ngoại giao có ít nhiều thay đổi, do xuống cấp theo thời gian, hoặc những yêu cầu mới về công năng sử dụng. Và đây có thể xem là phần “còn lại” của không gian kiến trúc Pháp mà mỗi người Hà Nội đều có thể cảm nhận khi đi qua các con phố: Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lê Hồng Phong...
Còn các biệt thự bị “cắt nhỏ” chia cho cán bộ, công chức một số cơ quan làm chỗ ở thì đã biến dạng với đủ mọi lý do. Những thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra, lớn lên trong những biệt thự - khu tập thể này, và các gia chủ buộc phải tìm mọi cách để cải thiện nhu cầu sinh hoạt thường nhật. Cách thức đơn giản nhất người ta có thể làm và đã làm là cơi nới thêm tầng, thêm gác, xây thêm nhà trên những khoảng không gian còn lại. Một nhà nghiên cứu cư ngụ trong một biệt thự như vậy ở phố Quán Thánh ngao ngán: Biết làm sao, “tấc đất, tấc vàng”! Và cứ như vậy, nhiều ngôi biệt thự bị “băm nát”, trở nên néo mó.
Và nữa, để nâng cao “hiệu quả kinh tế” của các biệt thự cũ, phần tiếp giáp với đường phố được cải tạo, hoặc xây mới thành cửa hàng bán đủ thứ từ đồ gia dụng đến quần áo thời trang. Rồi những bức tường bao bị dỡ bỏ, không gian cây xanh trong các biệt thự biến thành quán ăn, quán cà phê. Chưa kể một số lượng không ít biệt thự đã bị thay bằng những building mang phong cách hiện đại, làm văn phòng cho thuê... Có thể nói, không ít biệt thự trên phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo bị “xẻ ra” vì những lý do như vậy.
Cũng có biệt thự bằng nhiều con đường khác nhau được khôi phục lại cấu trúc ban đầu để phục vụ những “thượng đế” muốn sống và làm việc trong những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc châu Âu cũ. Tuy nhiên, số này không nhiều.
Không gian phố Pháp bị xen cấy bởi những công trình hiện đại xa lạ với phong cách kiến trúc của khu vực. Những giá trị đặc trưng mang dấu ấn của một giai đoạn phát triển đô thị Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ “tan biến” từ sức ép nội tại và thách thức phát triển. “Nếu những hình ảnh đáng giá nhất của đặc trưng khu phố Pháp không còn nữa thì giá trị của đô thị Hà Nội cũng tự đánh mất” - nhận định này cho thấy lo lắng của người Hà Nội đối với một phần không thể thiếu trong “kho tàng” di sản đô thị đã song hành cùng thăng trầm lịch sử Thủ đô.
Những năm gần đây, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo không gian, cảnh quan kiến trúc mang phong cách phố Pháp cũng như các ngôi biệt thự trong lòng Hà Nội. Nhưng phải nói rằng, đây là một câu chuyện vô cùng nan giải, bởi lẽ việc xác lập cơ sở pháp lý cũng như các giải pháp để công nhận và phát huy giá trị của loại hình kiến trúc đô thị này còn nhiều bất cập. Và sẽ rất khó nếu chưa có được tiêu chí để nhận diện, từ đó đưa ra phương thức ứng xử phù hợp cho mục tiêu bảo tồn, tôn tạo.