Năm 2018, xử lý nợ xấu sẽ khả quan hơn

Tài chính - Ngày đăng : 13:45, 15/02/2018

(HNMO) - Năm 2017 qua đi với nhiều kết quả tích cực đối với ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu chưa được như kỳ vọng. Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, việc xử lý nợ xấu trong năm nay sẽ khả quan hơn.


- Năm 2017 đã qua, ông ấn tượng với những gì trong ngành Ngân hàng?


- Nói chung ngành Ngân hàng phát triển tốt trong năm 2017 như tín dụng tăng trưởng khá cao, ngân hàng có lợi nhuận tốt (một số ngân hàng đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, có ngân hàng đạt hơn 10.000 tỷ đồng), ngân hàng đã thực hiện xây dựng quản lý rủi ro theo base II, sự hội nhập quốc tế cũng có bước tiến đáng kể.

- Những yếu tố nào giúp ngành Ngân hàng đạt được kết quả đó, thưa ông?

- Đầu tiên là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với hệ thống. Những quy định của NHNN tạo ra tiền đề cho sự ổn định bởi những quy định đó chặt chẽ và phù hợp. Tiếp đến, bản thân các ngân hàng cũng cải tổ mạnh mẽ. Trước đó, một số ngân hàng vi phạm gây thiệt hại cho nền kinh tế và NHNN đã phải mua lại với giá 0 đồng, các ngân hàng qua đó rút được bài học xương máu để cải tổ chính bản thân mình, cải tổ ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngân hàng. Năm qua, nền kinh tế tăng trưởng tốt ở mức 6,81% trong khi lạm phát dưới 4% và nhiều doanh nghiệp được thành lập. Nói chung, năm qua, nền kinh tế thuận lợi để ngành Ngân hàng phát triển.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu


- Vậy năm 2018, ngân hàng có trở về thời hoàng kim như trước?

- Về tình hình kinh doanh của ngân hàng, nhiều người kỳ vọng môi trường kinh doanh năm 2018 tiếp tục thuận lợi cho ngành Ngân hàng, tức ngân hàng có thanh khoản tốt, hỗ trợ được nền kinh tế, hỗ trợ được các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãi suất có thể giảm, thị trường ngoại hối ổn định, thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, thị trường vàng ổn định... Đó là mong muốn nhưng thực tế như thế nào chúng ta không thể nói trước tương lai khi mà có mầm mống của khủng khoảng trên thế giới. Khủng hoảng chính trị, quân sự có thể tạo ra những khung cảnh không thuận lợi cho thị trường tài chính thế giới, rồi vấn đề các nước lớn như Mỹ có thể có chính sách về mậu dịch bất lợi cho các nước có xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Trong những ngày vừa qua, thị trường chứng khoán thế giới lao dốc mạnh. Những biến động này trên thị trường thế giới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo. Mặc dù chúng ta kỳ vọng nhưng năm 2018 có lẽ sẽ là năm không thực sự ổn định với thị trường tài chính.

- Trở lại năm qua, ngành Ngân hàng đạt kết quả tích cực nhiều mặt, nhưng việc xử lý nợ xấu dường như chưa được như kỳ vọng bởi nợ xấu về mặt sổ sách là dưới 3% nhưng trên thực tế vẫn ở mức cao?


- Đúng là bên cạnh những mặt tích cực, ngành Ngân hàng cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề xử lý nợ xấu. Theo tôi, năm qua việc xử lý nợ xấu chưa có bước tiến đáng kể. VAMC cũng xử lý được một số nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu đã giảm và các ngân hàng đã kiểm soát tốt nợ xấu, tức việc xử lý nợ xấu có sự nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng, các cơ quan chức năng, nhưng bước tiến về xử lý nợ xấu vẫn còn khiêm tốn.


-Vì sao, thưa ông?

- Đây là vấn đề để lại từ quá khứ. Mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo thuận lợi cho các ngân hàng để xử lý nợ xấu nhưng việc xử lý nợ xấu cần thời gian. Hơn nữa, khi xử lý nợ xấu, các thành phần liên quan đến nợ xấu, trong đó có người đi vay, không hợp tác thì sẽ khó khăn.

ảnh minh họa, nguồn: Internet


- Ông có cho rằng năm nay việc xử lý nợ xấu sẽ khả quan hơn?

- Đó là kỳ vọng cả hệ thống ngân hàng. Theo tôi, với Nghị quyết 42 của Quốc hội, sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ chế pháp lý thông thoáng hơn, đặc biệt là Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, việc xử lý nợ xấu năm nay sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ nằm ở cơ chế pháp lý, mong muốn của hệ thống ngân hàng mà nó nằm ở việc các thành phần liên quan đến nợ xấu, trong đó có người đi vay, người sở hữu tài sản thế chấp, hợp tác như thế nào với ngân hàng. Trong xử lý nợ xấu, nếu trường hợp khách hàng của ngân hàng không hợp tác thì việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn, dù Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm nhưng trong trường hợp “con nợ” chống đối thì lại phải đưa ra tòa... Vì vậy, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vì nợ xấu là vấn đề của nhiều năm qua, cần thời gian xử lý hiệu quả chứ không thể nhanh chóng. Nghị quyết 42 mới có hiệu lực từ tháng 8-2017 nên không thể trong thời gian ngắn mà nhìn thấy ngay kết quả được.

- Xin cảm ơn ông! Nhân dịp xuân Mậu Tuất, chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe!

Thanh Hương