Tết Mậu Thân qua hồi ức của một nữ biệt động

Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 15/02/2018

(HNM) - Bám trận địa, ngoan cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là bản anh hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước, tình đồng chí đồng đội.


Tham gia cách mạng, làm chiến sĩ giao liên khi còn rất trẻ đến năm 19 tuổi, cô gái Vũ Minh Nghĩa (sinh năm 1947) được kết nạp Đảng, tham gia vào Đội 5 Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định. Cuộc tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968 với cô gái biệt động thành là những ngày không thể nguôi quên.

Bà Vũ Minh Nghĩa nhớ lại trận đánh lịch sử vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Tá Lâm


Đêm Ba mươi Tết, đơn vị tập trung về Trảng Bàng (Tây Ninh) đón Giao thừa. Trong giây phút đầu tiên của năm mới, đồng chí Tô Hoài Thanh (Đội trưởng Đội 5 Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định) thông báo: Chúng ta chuẩn bị tiến về Sài Gòn. Nhiệm vụ của ai, người ấy làm, có thể hành quân ngay trong đêm. Liền đó, đồng chí quay sang cô gái duy nhất của đơn vị nói: “Lần này em được trực tiếp cầm súng chiến đấu!”.

Sáng mùng Một Tết Mậu Thân 1968, Vũ Minh Nghĩa quá giang xe người dân xuống Sài Gòn. Nhiệm vụ của nữ biệt động này là vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ cứu thương cho đồng đội. Đến tối mùng Một Tết, theo kế hoạch, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ nổ súng, Đội 5 Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định bất ngờ nhận lệnh từ đồng chí Đội trưởng: Đơn vị ta không đánh Chợ Lớn nữa mà tấn công Dinh Độc Lập, chờ lực lượng tới tiếp viện, không được rút lui.

Trước đó, hơn 4 tấn vũ khí chứa trong hai hầm ở Hòa Hưng (quận 10) và ở Vườn Chuối (quận 3) được mở ra, súng, đạn được lau chùi sạch sẽ. Đơn vị biệt động gồm 15 người hành quân trên 3 chiếc ô tô. Xe đầu tiên chở khối chất nổ hơn 200kg cùng 3 người, 12 người còn lại chia nhau trên 2 chiếc xe sau chở súng, đạn, lựu đạn. Đúng 2 giờ mùng Một Tết, tất cả nổ súng. Phương án tác chiến là: Sử dụng xe đầu tiên chứa khối chất nổ tới cổng sau Dinh Độc Lập, gài số cho xe tự lao vào; đồng thời kích hoạt chất nổ để phá cánh cổng cho 2 xe sau tiến vào. Tuy nhiên, khối chất nổ để dưới hầm lâu năm bị ẩm ướt nên không nổ. Ngay lập tức, các chiến sĩ nhảy xuống xe, nổ súng tiêu diệt lính gác, rồi tiến vào cổng phụ, 3 người lọt được vào bên trong, số còn lại nằm bên ngoài chiến đấu với lực lượng tiếp viện của địch, trong đó có nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa và Đội trưởng Tô Hoài Thanh.

Trong Dinh Độc Lập, địch tập trung hỏa lực bắn xối xả, 2 chiến sĩ hy sinh, người còn lại bị thương, ra ngoài báo cáo tình hình. Đội trưởng Tô Hoài Thanh ra lệnh: “Phải bám trận địa!”. Trận chiến ngày càng cam go, quân ta tiêu diệt 2 xe Jeep chở lực lượng tiếp viện của địch nhưng thêm một chiến sĩ nữa hy sinh. Lúc này đạn đã gần hết, không thể ra xe lấy được vì bị địch bao vây. Đến khoảng 3, 4 giờ sáng, bỗng có luồng sáng đèn ô tô từ hướng Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tất cả mừng thầm vì nghĩ là lực lượng của ta. Thế nhưng không phải, đấy là xe địch. Chờ chúng đến gần, Đội trưởng ra lệnh bắn hai quả B40, một rơi giữa hai xe, một quả rơi trước đầu xe thứ nhất, ngọn lửa bùng lên, 2 chiếc xe của địch cháy rụi.

Khoảng 10 phút sau, từ phía Công viên Tao Đàn, trên lầu một tòa nhà, địch phát hiện lực lượng của ta bám bên dưới, nã đạn như mưa. Đội trưởng Tô Hoài Thanh bỗng kêu: Nghĩa ơi, anh bị thương...! Lập tức Vũ Minh Nghĩa la lên: Mấy anh ơi, anh Ba (Tô Hoài Thanh) bị thương rồi! “Tôi chạy lại đỡ anh Ba lên. Mọi người cũng chạy lại đỡ anh Ba. Lúc này tôi nói: Anh Ba nằm xuống, em còn cuộn băng sẽ băng bó cho anh. Anh Ba liền nói: Em giữ cuộn băng đó lại, để dành băng cho anh em khác, vết thương anh nặng lắm, cuộn băng đó không cầm máu được đâu. Lúc này anh Ba nằm tựa vai tôi. Một tay tôi đỡ anh Ba, tay còn lại tôi chặn vết thương lại nhưng máu trào ra từ kẽ các ngón tay. Anh Ba hy sinh. Tôi đỡ anh nằm xuống mà máu vẫn cứ trào ra” - bà Vũ Minh Nghĩa kể, giọng như nghẹn lại.

Dừng một lúc, bà Vũ Minh Nghĩa tiếp tục câu chuyện: “Trời gần sáng, chúng tôi nhìn lại thì chỉ còn 8 người, 7 người đã hy sinh rồi... ánh sáng càng rõ thì càng không thể để anh nằm khơi khơi ngoài đường được, lúc này mọi người phát hiện phía trước có một tòa nhà cao tầng đang xây dở dang. Chúng tôi tiến lại, dỡ hàng rào mở cổng ra, khiêng các anh hy sinh nằm nép vào bức tường bên trong. Lúc bấy giờ tôi thấy trên người có máu, mới biết mình đã bị thương. Băng y tế thì không còn cuộn nào, tôi bắt đầu khuỵu xuống. Lúc đi tôi cũng linh tính nên mặc hai áo, đề phòng có bất trắc thì cởi áo ngoài ra. Tôi liền bảo với các anh: Cởi áo ngoài của em rồi xé ra để dành băng vết thương. Băng xong, các anh dìu tôi vào nằm chung với đồng đội đã hy sinh. Lúc này tôi mới cảm thấy đau nhói”.

“Điều làm tôi đau hơn nỗi đau thể xác là khi nghĩ mình làm nhiệm vụ y tá mà không còn viên thuốc nào để cầm máu, không băng được vết thương cho thủ trưởng để...”, bà Nghĩa nói không nên lời. Đến lúc này, chúng tôi mới nhìn thấy những giọt nước mắt - giọt nước mắt của nữ chiến sĩ biệt động quả cảm, “như sắt như đồng”, nay đã ngoài 70 tuổi.

Cuộc chiến đấu bên trong tòa nhà kéo dài đến tận tối hôm sau. Bà Vũ Minh Nghĩa kể: Bên trong tòa nhà có cầu thang lên tầng thứ ba, anh em đã bám trụ trên đó. Bên ngoài địch bắn vào nghe chát chúa, thủng cả tường, loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng inh ỏi. Nhiều lúc chúng tiến vào bên trong tòa nhà, nhưng khi lên nửa cầu thang thì các anh sử dụng vũ khí còn lại cùng gạch đá đánh xuống nên chúng không tiến lên được. Tuy vậy, một chiến sĩ của chúng ta lại hy sinh, đơn vị chỉ còn 7 người. Trong thời khắc sinh tử ấy, anh em tự bảo nhau: Địch có thể đánh phủ đầu, hủy diệt mình bất cứ lúc nào. Nhưng trước khi bị hủy diệt, còn lại một quả B40, mình phải cưa đôi sinh mạng 
với địch.

Đúng như dự đoán, nhưng lần này, chúng không đi cầu thang bộ, mà sử dụng thang máy di động lắp bên ngoài tòa nhà. Chờ địch leo lên thang máy, các anh bắn quả B40 cuối cùng, gây cho chúng tổn thất không nhỏ trước khi những chiến sĩ còn lại của ta bị bắt. Bà Vũ Minh Nghĩa cho biết, bà cùng đồng đội bị đưa về nhốt ở Tổng Nha cảnh sát Đô Thành. Đến ngày thứ chín, vết thương nhiễm trùng, bà bị phong đòn gánh, nằm bất động trên manh chiếu, đám ngụy quân thấy vậy, đưa bà xuống Nhà thương Chợ Quán. Hai ngày sau bà chết. Lúc chuẩn bị đưa vào nhà xác, kéo chiếc chiếu ra thì thấy mắt bà vẫn mở, bác sĩ đến khám thì nghe tim còn đập. Chết đi sống lại nhiều lần, bà bị tù đày ở nhiều nơi, trong đó có Côn Đảo. Đến tháng 3-1975, bà được trao trả theo Hiệp định Paris.

“Cái tình thương đồng đội, đồng chí trong chiến đấu, trong gian khổ, trong sinh tử mới thật sự là thương. Cho đến bây giờ, trong hòa bình, tôi vẫn thấy điều này là đúng”, bà Vũ Minh Nghĩa chia sẻ khi kết thúc câu chuyện của mình. 

Nguyễn Lê