Viết tên Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới

Văn hóa - Ngày đăng : 00:18, 16/02/2018

(HNM) - Trong vòng quay của cuộc đời, có những thời điểm con người ta khát khao chinh phục những điều tưởng chừng khó vượt qua. Miệt mài trên hành trình đó, trong trái tim mỗi người luôn có một điểm để hướng về, đó là quê hương - cội nguồn dân tộc.



Ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ người Việt thành danh trên các sân chơi lớn ở tầm quốc tế, ngày càng nhiều nghệ sĩ có những đóng góp âm thầm không ngừng nghỉ trong việc giới thiệu bản sắc dân tộc qua âm nhạc tới bè bạn quốc tế. Những cuộc ra đi và những sự trở về của người trẻ đã và đang tạo nên bức tranh đa sắc, sống động của nghệ thuật Việt Nam thời kỳ hội nhập.


Ninh Đức Hoàng Long (đeo kính) vai Brown trong vở opera I Puritani.


Ra đi...

Rời Việt Nam năm 2013 để sang Hungary du học, sau 5 năm tu nghiệp, Ninh Đức Hoàng Long đã làm được một điều mà chưa nghệ sĩ Việt Nam nào trong thời điểm hiện tại có thể đạt được: Trở thành nghệ sĩ opera quốc tế. Ngày 18-5-2017 ghi dấu ấn trong sự nghiệp của giọng tenor sinh năm 1991 này khi xuất hiện trong vở opera I Puritani của nhà soạn nhạc Italia Vincenzo Bellini (1801-1835), do Cung Nghệ thuật Budapest (Müpa) danh tiếng của Hungary công diễn. Đáng nói, ngoại trừ Long là nghệ sĩ gốc châu Á, những vị trí khác trong vở opera đều là các nghệ sĩ nổi tiếng như nữ nghệ sĩ người Anh Jessica Pratt - ngôi sao sáng giá nhất của các sân khấu opera hàng đầu thế giới, hay giọng tenor người Italia Francesco Demuro, giọng baritone người Nga Alekszej Markov, nhạc trưởng người Italia Ricardo Frizza...

Ninh Đức Hoàng Long từng trở thành hiện tượng mạng ở Hungary năm 2013, khi bản nhạc Tổ quốc tôi (Hazám Hazám) nổi tiếng của đất nước này do anh thể hiện bất ngờ được một người bạn quay lại và đưa lên mạng. Đặc biệt, năm 2016, Long đã đoạt giải Nhất cuộc thi opera quốc tế tại Hungary mang tên Simándy József. Anh cũng tham gia nhiều chương trình hòa nhạc quốc tế tại Pháp, Thụy Điển, Áo...

Khoảng chục năm trở lại đây, khán giả châu Âu cũng đã quen với một nghệ sĩ Việt Nam khác là Ngô Hồng Quang. Anh có biệt tài hát, lại có thể chơi thành thạo hàng chục loại nhạc cụ truyền thống dân tộc. Năm 2006, khi đang là giảng viên đàn nhị thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Quang đã có hai chuyến lưu diễn tại 5 nước Ireland, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan trong 3 tháng, sau đó thêm một chuyến đi nữa được thực hiện vào mùa hè năm 2007. Dịp Tết Nguyên đán năm 2008, Quang có buổi trình diễn 15 phút tại Nhà hát Hoàng gia Hà Lan. Quang đã đem âm nhạc Việt tới học sinh phổ thông, người già trong trại dưỡng lão ở Hà Lan.

Cũng năm này, Quang đỗ chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan và gắn bó với nơi đây cho tới nay. Bên cạnh học tập và trình diễn, Quang đã thực hiện nhiều dự án âm nhạc với chất liệu âm nhạc Việt và giới thiệu tại châu Âu. Ngay năm 2017 vừa qua, anh ra mắt album Nam nhi với những bài quan họ cổ kết hợp ngũ tấu Tây phương với 5 nghệ sĩ mang 5 quốc tịch khác nhau. Và gần đây là album Hanoi Duo (Cặp đôi Hà Nội) kết hợp với nghệ sĩ Nguyên Lê, đang được phát hành bởi hãng đĩa hàng đầu châu Âu về nhạc jazz ACT. Hiện cả hai nghệ sĩ cũng đang lưu diễn tại châu Âu giới thiệu dự án này.

Với một cách lặng lẽ hơn, những thành viên nhóm Xẩm Hà Thành cũng đang đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với khán giả Âu Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Vào tháng 10-2017, nhóm Xẩm Hà Thành do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa làm trưởng nhóm đã có chuyến đi giới thiệu âm nhạc Việt Nam cho sinh viên tại 5 trường đại học nổi tiếng thế giới tại Mỹ gồm Harvard, Wesleyan, Cornell, Stonybrook, Yale. 

Và trở về

Dù bận rộn học tập và lưu diễn nhưng Ngô Hồng Quang luôn tranh thủ mọi cơ hội để trở về. Dự án Hanoi Duo trước khi đến với khán giả châu Âu đã có sự khởi đầu thành công tại Hà Nội trong hai đêm 24 và 25-2-2017, ở Huế ngày 28-2 và TP Hồ Chí Minh ngày 1-3-2017. Ngô Hồng Quang cũng tham gia chương trình New Year’s Countdown Lights 2018 vào tối 31-12-2017 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh. Nhiều nghệ sĩ Việt thành danh ở nước ngoài cũng trở về tham gia chương trình này như tổng đạo diễn chương trình Tuấn Lê (đoàn xiếc Mặt trời - Cirque du Soleil nổi tiếng của Canada), biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải, nghệ sĩ xiếc Laurence Tremblay Vũ, vũ công Hồng Thái Nguyễn...

Một năm trước đó, Ninh Đức Hoàng Long cũng trở về tham gia chương trình đếm ngược chào năm mới 2017 tại sân khấu tượng đài vua Lý Thái Tổ - Hà Nội. Trong chương trình, Long thể hiện tác phẩm Tổ quốc tôi đã tạo nên tên tuổi của anh tại Hungary và ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân). Phần trình diễn của Long được phát sóng trực tiếp trên VTV1 trong chương trình đặc biệt đêm giao thừa mang tên “Đếm ngược 2017 - Tự hào Việt Nam - Kết nối toàn cầu”. Mặc dù đã có chỗ đứng nhất định trong nghệ thuật opera châu Âu nhưng Ninh Đức Hoàng Long vẫn hướng sự nghiệp của mình về Việt Nam, bởi anh luôn mong muốn phát triển nghệ thuật opera tại quê hương mình.

Đáng chú ý, trong buổi biểu diễn dịp cuối năm của nhóm Xẩm Hà Thành tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, bất ngờ có sự xuất hiện của nhà thơ Lan Hinh con gái thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải - nhà thơ yêu nước có vị trí quan trọng trong nền thơ ca đầu thế kỷ XX, đặc biệt đối với nghệ thuật hát xẩm. Đã ở tuổi ngoài 80, nhà thơ Lan Hinh chia sẻ, với mong muốn thu thập tư liệu và thành lập một nhà lưu niệm mang tên cha mình, 10 năm nay bà đã từ Mỹ trở về định cư tại TP Hồ Chí Minh. Biết tiếng nhóm Xẩm Hà Thành, nhân dịp ra Bắc tham dự hội thảo về Á Nam Trần Tuấn Khải tại Nam Định, bà đã tranh thủ tới nghe xẩm. Và bà đã hát tặng khán giả một đoạn trong bài xẩm Anh Khóa theo lối cổ.

Chuyến đi lưu diễn tại Mỹ giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành dù ngắn ngủi nhưng đã kịp nhân lên tình yêu với các giá trị truyền thống dân tộc Việt trong những sinh viên Mỹ. Đặc biệt, một nữ sinh viên người Mỹ gốc Việt - em Sheiran Phu - dù được sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng đã có những quan tâm đặc biệt tới nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Bắt đầu từ tháng 1-2018, Sheiran Phu sẽ dành ra một tháng để học đàn và hát với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tại Hà Nội.

Mừng là ngày càng có nhiều nghệ sĩ Việt vươn ra được “biển lớn” và hòa nhập với đời sống nghệ thuật ở những cái nôi của nghệ thuật thế giới. Cũng có nhiều nhóm/nghệ sĩ gắn bó sự nghiệp tại đất mẹ nhưng cũng hòa mình vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ là những người Việt xa xứ đã trở về và tiếp tục đóng góp cho văn hóa truyền thống của dân tộc tại quê nhà. Họ đã và đang viết lên bản đồ nghệ thuật thế giới hai chữ “Việt Nam”. Dù có thể vẫn còn khiêm tốn nhưng đó thực sự là một tín hiệu vui trong những ngày đầu năm mới. 

Nguyễn Quang Long