Phố Hà Nội, người Hà Nội - còn đây mãi những nét son

Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 16/02/2018

(HNM) - Có một vùng đất gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, là chốn mà ai cũng muốn đi về, là nơi khi nhắc đến thì con tim không khỏi rung lên bồi hồi, xao xuyến... Vùng đất đó là Hà Nội - bên cạnh những tòa nhà cao tầng, đại lộ thênh thang, là những con phố nhỏ cũ kỹ nhưng luôn sầm uất, nhộn nhịp.


Phố xưa, nhà cổ...

Kể từ khi Lý Công Uẩn quyết định định đô tại Thăng Long, đô thị Hà Nội đã có bề dày hơn 1.000 năm. Thống kê từ lịch sử cho thấy, từ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội luôn là một trung tâm quyền lực, trong đó 850 năm là kinh đô đất nước. Trong khoảng chiều dài ấy, quy mô đô thị có lúc nhỏ hẹp, nhưng cũng có lúc rất rộng lớn, song tính chất đô thị dần định hình để đáp ứng đòi hỏi khách quan của một trung tâm quyền lực, trung tâm kinh tế - văn hóa xã hội lớn của đất nước.

Phố Phan Đình Phùng - nơi lưu giữ những hàng cây xanh, ngôi biệt thực có từ thời Pháp thuộc Ảnh: KT


Diện tích Hà Nội hẹp nhất là khi nào? Ấy là khi Hà Nội là kinh đô các triều đại phong kiến được giới hạn bởi những bức tường của Hoàng Thành. Nếu có phát triển hơn thì cũng thêm một vùng ngoại vi làm chức năng phục vụ vua quan trong thành.

Hà Nội rộng nhất là khi nào? Ấy là giai đoạn kinh thành được dời về Phú Xuân - Huế. Hà Nội không còn là kinh đô, nhưng vẫn là một đô thị quan trọng. Đầu thời Nguyễn, vua Gia Long khi chia địa giới các địa phương từ Ninh Bình trở ra thành 11 với tên gọi Bắc Thành, thì đất Hà Nội thuộc trấn Sơn Nam thượng (có lúc còn được gọi là tỉnh Hà Nội) ăn xuống tận vùng Hà Nam ngày nay. Sơn Nam thượng giáp với Sơn Nam hạ, Sơn Tây, Hải Dương và Kinh Bắc. Vậy nên, khi nói tới Hà Nội với diện tích gần 3.344km2 hiện nay, sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đầy đủ về sự hội tụ của ba vùng văn hóa lớn khi xưa: Thăng Long - Hà Nội (của Kinh thành), Sơn Nam thượng (của vùng Hà Đông xưa) và xứ Đoài (của vùng Sơn Tây).

Hơn nghìn năm binh đao khói lửa, mở rộng rồi thu hẹp; năm tháng như những viên gạch, cứ bồi đắp dần nên hình hài phố phường Hà Nội.

Hà Nội ngày vua Lý Công Uẩn đặt chân đến đã là một đô thị sầm uất về kinh tế - “dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”. Thăng Long khi đó là vùng đất của những phường thợ, những cửa hàng, bãi chợ. Khi Hoàng Thành được dựng lên, vùng ngoại vi lại càng thêm sầm uất. Hoàng Thành được quy hoạch rõ từng khu. Vùng ngoài thành cũng dần phát triển để phục vụ hoạt động kinh tế ngày càng gia tăng. Những ngôi nhà của các phường thợ dần được sắp xếp lại theo khu vực cho thuận lợi buôn bán hơn. Các phố “Hàng” theo đó ra đời và định hình dần từng khu vực đô thị bên ngoài khu Hoàng Thành. 

Trong cuốn “Hà Nội chỉ nam” - một cuốn sách “hướng dẫn du lịch” của tác giả Nguyễn Bá Chính xuất bản tại Hà Nội năm 1923 có đoạn mô tả: “Thành phố Hà Nội chia ra làm ba khu vực rất rõ ràng: 1. Khu phố Tây: Bắt đầu từ khu đất nhượng địa[1] cho đến mãi tận ga Hà Nội. /2. Khu vực phố Annam: Ở phía Bắc Hồ Hoàn Kiếm, vốn là phố buôn bán của ta xưa và nay. /3. Khu vực phố Thành: Ở phía Tây thành phố, tức ta gọi “trong thành”, là chỗ quan binh đóng, phủ Toàn quyền và vườn hoa Bách Thú cùng thuộc về khu vực này”.

Ngược dòng lịch sử trước đó vài chục năm, ta có thể hình dung thêm về phố phường Hà Nội khi đó qua lời cảm nhận khá rõ nét của ông Paul Doumer người đảm nhận Toàn quyền Đông Dương 1897 (sau đó làm Tổng thống Pháp (1931- 1932): “Khi tôi sống tại Hà Nội, kể từ đầu tháng Ba năm 1897, thành phố chỉ quanh quẩn bên khu hồ nhỏ (nay là hồ Hoàn Kiếm), nơi ngăn cách khu phố Pháp với khu phố Annam. Chính cái hồ nhỏ đã làm nên sự quyến rũ của thành phố. Nó duyên dáng hết sức, và những ngôi nhà cổ màu trắng của người Annam và người Tàu nằm ven bờ phía bắc, đem lại cho nó một dáng vẻ phương Đông, ấn tượng mặn mà, ý nhị. Khu phố Annam rất kỳ lạ, những đường phố hẹp, những ngôi nhà thấp, những cửa hiệu tràn cả ra đường, người đông nhung nhúc. Chỗ này mới đích thực là Hà Nội”[2]. Vẫn theo Paul Doumer cho biết, thì lúc này, khu vực Hoàng Thành cũ đã bị tàn phá khá nặng nề: “Những doanh trại, những cửa hiệu, những xưởng pháo binh nằm trong khu thành cổ, thành trì cũ đã bị phá hủy hoàn toàn”...

Khu phố Annam là khu phố nào? Đây chính là khu phố cổ Hà Nội mà dấu tích hiện nay là khu vực giới hạn bởi các phố: Hàng Đậu - Phùng Hưng - Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Đất, Hàng Thùng - Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật với tổng cộng 76 tuyến phố. Ngoài đặc trưng nhiều phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” (chiếm 38 phố), khu phố cổ còn nổi tiếng từ xưa đến giờ là sự ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, giao thương. Nhà trong khu vực phố cổ quy mô không lớn, chủ yếu là nhà dạng ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán, phía trong là nơi ở. “Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”... phố cổ đi vào trí nhớ người xa Hà Nội với vẻ đẹp như vậy.

Khu phố Tây (còn gọi là khu phố Âu hay khu phố Pháp) là ở đâu? Theo mô tả của Paul Doumer vào năm 1897 thì: “Khu phố Tây chẳng có gì đáng kể. Một con phố thương mại dài chừng 200-300 mét là phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) với những ngôi nhà nhỏ nửa Tây, nửa Tàu, những cửa hiệu vẻ ngoài sơ sài; không xa nơi đó là một vườn hoa nhỏ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) được bao bởi bốn tòa công thự, do công binh xây dựng, vững chãi nhưng nặng nề, và được sử dụng làm nhà riêng của Tổng Thư ký, Kho bạc, Tòa Đốc lý Hà Nội và các nhà Bưu điện”. Nhưng cùng với thời gian, các phố Tây hình thành ngày càng nhiều. Thống kê của Phan Phương Thảo và các tác giả trong cuốn sách “Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính”[3] cho biết: trong giai đoạn 1884 - 1945, người Pháp đã xây dựng ở Hà Nội 157 phố gọi là phố Pháp. Những tuyến phố này chủ yếu nằm trên địa bàn 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng hiện nay. Vẫn theo đó, thì trong số 157 phố Pháp, có 74 phố mang “đậm chất Tây” nhất và cũng là những con phố đẹp nhất. Trong số này phải kể đến những con phố mà đến nay nếu có dịp ghé thăm thì vẫn có thể sững sờ về vẻ đẹp cổ kính và độc đáo của nhiều công trình kiến trúc như: Đinh Tiên Hoàng, Bác Cổ, Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Quán Thánh, Trần Phú, Tràng Thi... Các ngôi nhà ở đây được xây dựng theo yêu cầu: “Chỉ được xây kiến trúc nhà ở kiểu Âu”. Có nghĩa là các khu phố này phải đạt tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại từ hạ tầng tới nhà ở, công sở, dịch vụ... Chủ nhân những ngôi nhà phố Tây khi đó, đương nhiên là người Âu và có cả người Người Việt Nam có địa vị, giàu có.

Hà Nội đẹp vì có phố. Hà Nội còn nên thơ vì có nhiều sông, hồ và khí hậu hiền hòa. Cách đây ngót 100 năm, học giả Nguyễn Bá Chính cho biết, nhiệt độ bình quân thấp nhất của thành phố Hà Nội vào tháng Chạp là 14,3 độ C, tháng Giêng là 15,1 độ C; tháng nóng nhất là tháng Năm: 31,4 độ C, tháng Sáu: 30,7 độ C. Vì thế, ông đã nhận xét: “Xét ra, khí hậu thành phố Hà Nội cũng trung bình thôi, mùa hạ tuy có nực, song không mấy ngày nực oi; mùa đông tuy có rét, song không mấy ngày rét phạm; mùa xuân thì ấm áp, mùa thu thì mát mẻ”.

Với diện tích 3.344km2, Hà Nội giờ nằm trong nhóm 17 siêu đô thị ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều ao hồ bị nhường chỗ cho nhà cao tầng mọc lên. Những năm gần đây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính với El Nino và La Nina - mà mới nhất như năm 2017 có những đợt nóng “vượt kỷ lục 45 năm” hay những đợt mưa lụt biến cả phố mới và phố cổ thành sông... mới thấy thêm quý vẻ đẹp sắc xanh của sông hồ, của cây xanh của Hà Nội xưa.

Quy luật ấy cũng là quy luật phát triển của văn hóa, của người Hà Nội. Phố Hà Nội cũ, mới đan xen. Người Hà Nội nhiều tầng lớp, đối tượng đông đúc, phong phú. Những lắng sâu và tinh hoa nhất được chắt lọc qua nghìn năm, trở thành khối kim cương, tỏa sáng tôn vinh thêm tầm cao của mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, “Thành phố vì Hòa bình”.

... Tự hào nét thanh lịch, hào hoa

“Người ta là hoa của đất”. Phố Hà Nội là do người kinh kỳ tạo dựng, đắp bồi. Nghìn năm qua đi, ba vùng văn hóa tuy có những nét riêng, nhưng nhắc tới kinh kỳ, thì trước hết vẫn là nhắc tới “Người Hà Nội”.

Người Hà Nội có gì đặc biệt?

Là chủ nhân của đất kinh kỳ, nên người Hà Nội là những người hiểu biết pháp luật và thực hành pháp luật sâu sắc. Không chỉ dừng ở luật vua, phép nước thời phong kiến hay những đạo luật chính quyền ban hành sau này, mà ở cấp làng xã hay phố phường, còn có thêm những hương ước, tập tục để quy định, điều chỉnh nếp sống. Thời gian trôi, những quy ước cộng đồng đó ngày càng hoàn chỉnh, góp phần điều chỉnh, gìn giữ nền nếp gia phong, họ mạc, cộng đồng và vun đắp dần ý thức mỗi người.

Hà Nội là nơi sống, trưởng thành và ghi danh của nhiều anh hùng dân tộc có công lớn trong giải phóng đất nước, bảo vệ đất nước như: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh... Các tướng lĩnh, danh nhân, học giả... lớp sau nối lớp trước bền bỉ đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng, quản lý kinh thành, đồng thời bồi đắp những giá trị văn hiến cho Thăng Long - Hà Nội. Đất kinh đô mãi trân trọng những tấm gương vì nước quên thân của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương trước đây; và cũng không quên tấm lòng yêu nước nồng nàn của những nhà tư sản như Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ... đã tự nguyện hiến dâng khối tài sản to lớn và sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Thăng Long - Hà Nội là trung tâm giáo dục quốc gia, trung tâm đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho cả nước gắn liền với tên tuổi Quốc Tử Giám cùng các trường thi Hội, thi Đình qua bao triều đại. Thực tế này mặc nhiên dẫn tới sự đề cao tri thức và sàng lọc tri thức. Nếp sống văn hóa, thanh lịch, hào hoa cũng từ đó hình thành gắn với tôn vinh giá trị trí tuệ, coi thường những lố lăng, kệch cỡm.

Ở chốn kinh đô, lại là trung tâm kinh tế lớn, đương nhiên rất nhiều người Hà Nội giàu có về vật chất. Nhưng “thước đo” sâu sắc nhất của chốn này thì chưa hẳn chỉ là vậy. Lắng trong những câu chuyện xưa hay trong những trang sử sách Thăng Long - Hà Nội, đều dễ gặp những câu chuyện, giai thoại, huyền tích tôn vinh về giá trị tinh thần và khinh bỉ thói trọc phú hợm của, khoe khoang.

Là tầng lớp quan chức hay binh lính, nhưng là người của “cung đình” - mặc nhiên lễ nghĩa là điều hơn hẳn nhiều vùng khác. Những văn nhân, nho sĩ hiểu biết rộng càng trân trọng lễ nghĩa thủy chung. Với người dân, dù là làm thợ, hay tiểu thương thì sự cần cù, kỹ năng nghề nghiệp, giao thương... đều đạt tới mức cao. Bởi thế, lời ăn tiếng nói, dáng đi, trang phục... của người Hà Nội xem ra có nhiều điểm khác các vùng quê khác.

Người Hà Nội có “giọng Hà Nội” là giọng nói chuẩn của cả nước: Tròn vành, rõ nghĩa, dễ nghe. Cách nói cũng từ tốn, nhẹ nhàng, khuôn phép, vừa nghe, thuyết phục người khác bởi trí tuệ mẫn tiệp khi giao tiếp chứ không phải bằng “ăn to nói lớn”.

Vóc dáng người Hà Nội là hình ảnh nho nhã của những nho sĩ, văn nhân, của những nghi lễ cung đình, nên cũng từ tốn, ý nhị. Ăn uống thì nhỏ nhẹ, khoan thai. Khi buộc phải làm phiền hay đi qua sát người khác, bao giờ cũng lịch lãm kèm câu “xin phép”.

Trang phục của người Hà Nội không sắc màu rực rỡ, nhưng từ kiểu dáng theo bộ hay buông suông đều toát lên vẻ sang trọng, trang nhã, tinh tế. Nhà dẫu nghèo, bụng có thể đói, nhưng trang phục thì vẫn cứ phải đủ đầy áo ngắn, áo dài.

Sống ở đất Kẻ Chợ, nên ứng xử của người Hà Nội, nhất là tính cách, lời ăn, tiếng nói vì thế mà khéo hơn, kỹ càng quan tâm, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để buôn có bạn, bán có phường, gắn bó sẻ chia bền vững.

Hà Nội là đất trăm nghề phục vụ bao triều đại cung đình, vì thế bàn tay khối óc người lao động Thủ đô cũng tinh xảo, tài hoa hơn nhiều nơi khác; sáng tạo ra nhiều món ăn nổi tiếng, nhiều sản phẩm đặc sắc. Nhiều thú ăn, thú chơi cầu kỳ đạt tới giá trị, hàm chứa vẻ sang trọng, tao nhã. Thú ăn dễ dàng hình dung ra từ những món ăn đặc sản như cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây, bún thang, bún chả, bún bung, bún mọc... Thú chơi thì tinh tế như chơi hoa, trồng cây cảnh, nuôi chim... Chi tiết mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), sau khi cùng đại quân Tây Sơn quét sạch quân Mãn Thanh tiến vào Thăng Long, hoàng đế Nguyễn Huệ - Quang Trung đã chọn một cành đào Nhật Tân thật đẹp, rồi sai người cấp tốc mang vào kinh đô Phú Xuân tặng Hoàng hậu Ngọc Hân - dù chưa biết độ xác thực đến đâu, song rõ là thể hiện một “chất chơi” độc đáo thấm đẫm tinh thần văn hóa Thăng Long “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Hội tụ không chỉ là những phù sa. Quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội cũng mang theo những “đỉnh của đỉnh” từ mọi miền về và có phần không giống nơi nào khác. Có những nho sinh, trí thức hào hoa, phong nhã. Song cũng có cả những “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương” với cách sống dựa, sống bám vào những hoạt động của bộ máy cai trị bằng các tiểu xảo, bóp nặn. Có rất nhiều các bà, các mẹ giữ nghiêm nền nếp gia phong; song cũng có cả những người phụ nữ gắn với các tích “voi giày”, “gọt gáy bôi vôi”...

Người Hà Nội là thế đó!

Nét son tỏa sáng muôn đời

Cách đây 1.000 năm, Hà Nội đã là nơi quần cư của người dân từ nhiều nơi khác nhau. Và số dân của Hà Nội luôn không ổn định.

Kết quả điều tra dân số năm 1923 được tác giả Nguyễn Bá Chính dẫn trong cuốn “Hà Nội chỉ nam” cho biết lúc đó thành phố có 74.615 người Annam; 3.016 người Pháp; 2.344 người Trung Hoa; 711 người Minh Hương; 96 người Ấn Độ; 52 người Nhật Bản. “Tổng cộng 8 vạn, 8 trăm 94 người. Kể số điều tra ấy cũng không lấy gì làm đúng, thực ra thì dân số Hà Nội đến 12 vạn người”.

Năm 2017 dân số Hà Nội đăng ký hộ khẩu là 7,65 triệu người. Nhưng cũng như xa xưa - chốn phồn hoa luôn có thêm rất nhiều người tạm cư để mưu sinh, học tập; nên dân số trên địa bàn của Hà Nội phải lên tới hơn 9 triệu. Cái “số dư” giữa định cư và tạm cư này thể hiện rất rõ qua không khí vắng tanh trên đường phố những ngày lễ, Tết.

Vậy nên bài toán kinh tế, bài toán xã hội, bài toán văn hóa... là chuyện đặt ra với không chỉ riêng một ai. Là công dân Hà Nội hay làm người Hà Nội ít ngày - vấn đề văn hóa đều phải được quan tâm, chia sẻ như nhau. Có vậy mới thật sự đưa văn hóa vừa là nền tảng tinh thần vừa là nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững Thủ đô.

*
* *

Kẻ Chợ, là kinh kỳ, là Thủ đô... Hà Nội đã, đang và mãi là nơi hội tụ của những dòng người từ khắp địa phương trong nước đổ về làm việc, sinh sống. Đất nước hội nhập với thế giới, “dòng chảy” ấy cũng rộng mở đón thêm cả những người đến từ các quốc gia khác nhau. Những con sông khi chảy về biển đều mang theo phù sa và cả những bọt bèo. Có những thứ rồi sẽ tan trong nước và biến mất. Nhưng phù sa thì mãi đọng lại, bồi đắp, tạo dựng sự sống sinh sôi. Quy luật ấy cũng là quy luật phát triển của văn hóa, của người Hà Nội. Phố Hà Nội cũ, mới đan xen. Người Hà Nội nhiều tầng lớp, đối tượng đông đúc, phong phú. Những lắng sâu và tinh hoa nhất được chắt lọc qua nghìn năm, trở thành khối kim cương, tỏa sáng tôn vinh thêm tầm cao của mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, “Thành phố vì Hòa bình”. 

------

1. Thuộc khu vực Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay.
2. Xứ Đông Dương - Paul Duomer. Alphabooks & NXB Thế giới 2016.
3. Công ty Nhã Nam và NXB Hà Nội - 2017. 

Long Hà