Vì một Hà Nội xanh!
Đời sống - Ngày đăng : 14:05, 17/02/2018
Kết quả đáng mừng
Trong rất nhiều văn bản pháp quy của TP Hà Nội đều hướng tới việc xây dựng một đô thị “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI yêu cầu: "Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, gắn với quản lý tốt tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường...".
Triển khai công tác đó, đến nay Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020 được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khởi xướng vào năm 2016 là một trong những việc cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân Thủ đô. Báo cáo của UBND thành phố tại kỳ họp thứ năm, HĐND thành phố khóa XV (tháng 12-2017) đã nêu rõ, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật tiên tiến. Tiếp tục thực hiện chương trình “Một triệu cây xanh”, lũy kế đến nay trên địa bàn thành phố đã trồng được 485 nghìn cây, gồm bàng lá nhỏ, phượng, cọ dầu, giáng hương, ban trắng... (đạt 48,5% mục tiêu).
Sự quyết tâm này của thành phố đã, đang tạo ra hiệu quả rõ rệt. Ở ngoại ô, các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố đã rợp bóng cây xanh. Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài hơn 10km ngập sắc xanh với hàng nghìn cây bằng lăng và dừa cảnh thẳng tắp, cao trên 3m. Đường Võ Chí Công dài hơn 4km cũng vậy, phượng vĩ đã trổ bông khoe sắc đỏ rực rõ. Tại Đại lộ Thăng Long, 45 nghìn cây bóng mát như "kéo" những vạt rừng từ Ba Vì về gần trung tâm thành phố hơn...
Ở khu vực nội đô, thành phố đã chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ - kỹ thuật theo giải pháp đồng bộ, toàn diện về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, đầu tư trang thiết bị hiện đại để cắt tỉa tán cây, tiếp nhận và chuyển giao giống mới về trồng thử nghiệm trên địa bàn. Đến nay, diện mạo đô thị đã đổi khác. Những cây cao nội đô được cắt tỉa gọn, vừa bảo đảm thẩm mỹ, giảm nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão, nhưng vẫn duy trì được bóng mát cho tuyến đường. Những tuyến phố mới như Lê Trọng Tấn kéo dài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Kim Liên mới "thay da, đổi thịt" với hàng cây phượng vĩ, bằng lăng bắt đầu đơm hoa, tỏa bóng.
Đặc biệt hơn, ngay trong những ngày đầu năm 2018, trồng cây phong lá đỏ trên một số tuyến phố. Việc nhiệt đới hóa cây ôn đới được nhiều người dân kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn mới ở Thủ đô, hướng tới 3 tiêu chí: Đồng bộ, đồng đều và đa dạng.
Giữ gìn "lá phổi" xanh
Sự phát triển của đô thị, tốc độ gia tăng dân số, Hà Nội phải đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng, mỗi bước đi, thành phố đều rất thận trọng. Thời gian qua, các dự án như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, hầm chui nút giao Thanh Xuân, hệ thống xe buýt nhanh - BRT… phải tổ chức di dời các cây bóng mát nằm trong mặt bằng xây dựng. Thành phố đã giao Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát để hạn chế thấp nhất việc phải chặt hạ cây xanh, tổ chức dịch chuyển cây xanh trong phạm vi phải giải phóng mặt bằng đến vị trí khác phù hợp, hoặc dịch chuyển về vườn ươm để chăm sóc, duy trì để tái sử dụng; giữ lại cây nằm ngoài mặt bằng xây dựng, không vướng vào công trình...
Việc triển khai Dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội là một minh chứng sinh động. Sau hơn 9 tháng di dời cây xanh trên tuyến đường Kim Mã phục vụ cho dự án này, đến nay theo ông Trần Khánh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Công ty BeePro - đơn vị được giao nhiệm vụ di dời hơn 100 cây xanh về vườn ươm tại Đa Tốn (Gia Lâm), có tới 95% số cây sống khỏe, vượt mong đợi ban đầu khi đánh chuyển. Cây được chăm sóc cẩn thận bằng việc kết hợp phương pháp truyền thống với áp dụng tiến bộ kỹ thuật vi sinh và hóa chất nên đã sinh trưởng tốt. Từ thành công dự án thí điểm này, một giải pháp kỹ thuật tốt sẽ được nhân rộng để có thể "cứu" được cây cổ thụ khi thành phố trong quá trình phát triển buộc phải di dời cây xanh để lấy mặt bằng.
Có thể nói, để gìn giữ một đô thị xanh, Hà Nội đã, đang có những bước đi đúng hướng. Với những cách làm như vậy, đặc biệt là chương trình trồng 1 triệu cây xanh, chất lượng môi trường của thành phố sẽ được cải thiện đáng kể, tăng diện tích cây xanh từ 7,8m2 hiện tại, lên 9-10m2/đầu người. Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam chia sẻ, cùng với việc trồng cây trên các tuyến đường mới, Hà Nội cần phải cải tạo dần trên từng tuyến phố cũ. Phải chọn những bộ giống cây phù hợp với đô thị, trong đó yếu tố đầu tiên cần đáp ứng là bảo đảm an toàn, sau đó là việc cho bóng mát và tạo cảnh quan đẹp. Hà Nội cần phát động đầy đủ vai trò của người dân trong việc trồng và chăm sóc cây.
Giải quyết bài toán giữa phát triển một Thủ đô hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ và nuôi dưỡng "lá phổi" xanh luôn là vấn đề khó. Nhưng, với những thành công đã đạt được trong thời gian qua, cùng với sự vào cuộc ngày càng tích cực của người dân, mục tiêu dù khó cũng sẽ sớm được hoàn thành.n