Thành tựu mới nhân lên niềm tin và hy vọng

Chính trị - Ngày đăng : 08:19, 17/02/2018

(HNM) - Theo quy luật của tạo hóa, những làn gió Xuân đang lan tỏa, báo hiệu một năm mới đã về trên khắp các nẻo đường của đất nước.


Năm 2017, với 365 ngày như các năm nhưng mọi người cảm thấy thời gian như trôi qua nhanh hơn những năm khác. Thời tiết những ngày cuối năm tuy rét đậm nhưng những tin tốt lành của một năm thành công khá toàn diện đem đến cho mọi người niềm hân hoan đón chào năm mới. Những thành tựu mới của đất nước như tiếp thêm sức cho mùa Xuân, mang theo niềm tin và hy vọng tới mỗi người trong năm 2018.

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp cuối năm có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra đánh giá khái quát: “Năm 2017, Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước”. Báo cáo dẫn ra nhiều con số thật ấn tượng: Trước hết, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng tám năm trở lại đây, gấp hơn hai lần mức tăng bình quân của thế giới. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 34,3%; thị trường chứng khoán vượt trên 950 điểm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm đạt 33,4% GDP, tăng 12,6%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục - gần 30 tỷ USD, tăng 44,2%... Đi liền với đó là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với tinh thần năng động, sáng tạo, khẩn trương, quyết liệt. Để có được những thành tựu vui mừng, phấn khởi ấy là nỗ lực hết sức to lớn của nhân dân cả nước.

Bên cạnh đánh giá của Chính phủ, Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, đứng thứ 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, từ 60 lên 55/137 nền kinh tế...

Năm 2017 với nước ta, thời cơ, vận hội cũng như khó khăn, thách thức đều lớn. Thiên tai, bão lũ dồn dập đổ vào dải đất miền Trung gây nên những thiệt hại to lớn về người và của. Con số gần 9.000 tỷ đồng của cải vật chất bị bão lũ cuốn trôi là không hề nhỏ. Trong bối cảnh ấy, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt được mức tăng cao: Kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt con số kỷ lục 425 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 3 tỷ USD; nhiều mặt hàng như rau quả, linh kiện điện tử tăng trên 40%. Điều đáng mừng là nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô, chúng ta còn đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về chất lượng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên để chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nhanh các ngành dịch vụ nước ta có lợi thế. Môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn.

Ngành Du lịch tăng 30% lượng khách quốc tế... Như dân gian thường nói, đất lành chim đậu. Những thành công nổi bật trên lĩnh vực kinh tế là minh chứng hùng hồn về sự đúng đắn của đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập của đất nước. Đó cũng là kết quả của sự kế thừa và phát huy những thành tựu nhiều năm trước đây. Đặc biệt, sức mạnh “quật khởi” của chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã làm sống lại những nguồn tiềm năng, tiềm lực hết sức dồi dào của đất nước.

Lĩnh vực xã hội - hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ có văn hóa, giáo dục, y tế, việc làm... mà là tổng thể các nhân tố liên quan đến hoạt động và cuộc sống của con người đều có những thành tựu mới. Lấy theo tiêu chí sự hài lòng về cuộc sống, cảm nhận của người dân nói chung là tích cực. Cái nhìn về tương lai của người Việt Nam là lạc quan. Dù thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới đạt 2.385 USD, thấp hơn rất nhiều quốc gia khác nhưng trong hai năm liên tiếp, hai tổ chức quốc tế có uy tín - Viện Gallup (Mỹ) và Báo Independent (Anh) công bố chỉ số Hành tinh hạnh phúc đều xếp Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Với vị trí địa - chiến lược như nước ta, xét cả trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai, vấn đề quốc phòng - an ninh luôn giữ vị trí vô cùng quan trọng. Quan trọng với chính chúng ta lẫn trong tương quan của bàn cờ thế giới. Đất nước Việt Nam hình chữ S, hướng ra Biển Đông, nơi hằng ngày, hằng giờ diễn ra những tranh chấp vô cùng phức tạp. Bão tố, thiên tai từ Biển Đông vốn luôn dữ dội, khó lường. Nguy cơ đe dọa độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng không ngừng đặt ra những thách thức. Với sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, chúng ta luôn hiên ngang, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ cho đất nước được bình yên, đồng thời đóng góp cho khu vực có được môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Chúng ta vui mừng và bạn bè quốc tế đều ghi nhận một Việt Nam an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Trong bối cảnh tình hình hết sức phức tạp, bất ổn ở nhiều nước như hiện nay, việc Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull muốn tự mình khám phá hương vị của bánh mì TP Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ung dung thưởng thức cà phê đường phố ở TP Hồ Chí Minh là điều vô cùng gây ấn tượng.

Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được tổ chức thành công tốt đẹp nói lên rất nhiều điều về vị thế và uy tín của Việt Nam đang trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Thành công ấy không tách rời những thành tựu chung của đất nước chúng ta.

*
* *

Một năm trôi qua, mừng vui nhiều nhưng vẫn còn đó những nỗi lo luôn nhắc nhở chúng ta. Đó cũng là lời cảnh báo hết sức nghiêm khắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp quan trọng cuối năm của Chính phủ: “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước chúng ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”. Nghị quyết của Đảng nhiều lần chỉ ra những nguy cơ mang tầm vóc đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong đó, vấn đề tham nhũng, tiêu cực xã hội luôn nổi lên như là vật cản nguy hiểm nhất trên con đường đi lên của đất nước. Nó làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm suy yếu toàn bộ cơ thể hệ thống chính trị của đất nước. Lời nhận xét “trên nóng, dưới lạnh”, “lò đã đốt lên nhưng lửa cháy không đều” không phải chỉ là lời cảnh báo của lãnh đạo cấp cao.

Năm 2017, cuộc đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh, khiến cho chiếc lò - hình tượng được Tổng Bí thư luôn nhắc tới - sau bao năm kiên trì nhen nhóm nhưng ngọn lửa chống tham nhũng cũng chỉ cháy liu riu, bây giờ lửa đã cháy lên rừng rực. Củi nhỏ, củi to, ướt - khô đều phải cháy. Dư luận không còn xầm xì rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động, người chỉ đạo trực tiếp là Tổng Bí thư, chỉ dám tắm từ vai trở xuống.

Trong lúc niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tăng lên thì đồng thời những mối lo, những băn khoăn, trăn trở cũng đặt ra cho xã hội. Và điều ấy không có gì là mâu thuẫn. Năm 2017, một năm thành công khá toàn diện và thật đáng mừng, nhưng trong bức tranh đa sắc màu ấy vẫn hiện lên những gam màu tối mang dấu ấn của những vụ việc thường được diễn tả bằng các cụm từ: “điểm nóng”, “phức tạp”, “nổi cộm” như thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang), những cuộc khiếu kiện đông người, kéo dài liên quan đến đất đai, tôn giáo ở Nghệ An, Hà Tĩnh... gây biết bao khó khăn, lúng túng cho các cấp, các ngành. Và một thực tế hết sức đáng quan ngại là dường như các cơ quan thanh tra, kiểm tra “soi” vào đâu cũng thấy những vụ việc đáng bị đem ra xử lý.

Trong xã hội, nơi biểu thị tổng hòa các nhân tố tốt, xấu, tích cực, tiêu cực đan xen đang bộc lộ những vấn đề khó gỡ biết chừng nào. Hằng ngày, báo chí đăng tải không chỉ các thông tin vui mừng, phấn khởi mà còn có những tin, bài về tội phạm, tội ác, những vụ bạo hành phụ nữ, trẻ em hết sức nhẫn tâm… Lại thêm những cách khai thác, viết bài giật gân, phản cảm, thiếu chuẩn mực và lương tâm của một số phóng viên càng khiến cho dư luận xã hội thêm bức xúc, quặn đau một lần nữa trước sự tha hóa, xuống cấp đang diễn ra trong đời sống.

Trước thực trạng trên, nhiều người day dứt tự vấn: Đâu rồi những truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp vốn được nâng niu, lưu giữ qua biết bao thế hệ? Đâu rồi một thời trên đất nước ta “Ra ngõ gặp anh hùng”, những thế hệ cán bộ, đảng viên luôn sẵn sàng xả thân vì nhân dân, đất nước? Xã hội dấy lên sự lo lắng về những giá trị đạo đức truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc dường như đang bị đẩy lùi, đi liền là đòi hỏi phải khơi dậy những giá trị tốt đẹp vốn tiềm tàng trong lòng nhân dân.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không thể không bắt nguồn từ những hạn chế, yếu kém kéo dài trong cung cách quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý con người của chính chúng ta cùng với những biện pháp, chính sách lạc hậu, không đồng bộ, kém khả thi song hành với cơ chế xin - cho, với tình trạng vừa thiếu dân chủ, vừa kém kỷ cương. Đó là những tác nhân đã làm triệt tiêu đáng kể khả năng minh bạch và sự giám sát của nhân dân, làm suy giảm khả năng ngăn ngừa các sai phạm. Để đến khi phải xử lý thì hầu như đụng vào đâu cũng thấy những tập thể, cá nhân vi phạm.

Xã hội đang lên tiếng phê bình về những yếu kém trong văn hóa ứng xử, trật tự giao thông, bảo vệ môi trường, tài nguyên của đất nước... Nhưng có lẽ những mối lo đặt ra trong việc quản lý xã hội, quản lý con người còn lớn hơn rất nhiều. Đấy cũng là nguyên nhân của những cái giá mà chúng ta đang phải trả mỗi ngày. Cái giá về lòng tin, về đạo đức, đi liền là sự mất mát to lớn về của cải và con người.

*
* *

Kinh tế phát triển luôn là nhân tố cực kỳ quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. Nhờ vào công cuộc đổi mới, sự nghiệp lớn lao ấy đang mang lại những kết quả hết sức đáng tự hào và phấn khởi. Song điều mà chúng ta muốn hướng tới là mục tiêu lớn bao trùm được Đảng ta xác định: Xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm. Trong quá trình đó, hai nhiệm vụ xây và chống luôn đặt ra đồng thời. Chống cũng để mà xây. Xây mà tốt thì ít lo phải chống.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, sự kỳ vọng của nhân dân không chỉ là xử lý các vụ việc đã xảy ra mà là phải triệt tận gốc những nguyên nhân gây nên tham nhũng. Trong đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đi liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Chính bởi điều đó mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”.

Với phương châm chỉ đạo, điều hành Chính phủ xác định cho năm 2018: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, mọi người có thêm niềm tin và hy vọng sang năm mới, tiếp tục đà thắng lợi, đất nước ta sẽ có những bước đi nhanh hơn, gặt hái những thắng lợi toàn diện, vững chắc hơn trong công cuộc đổi mới toàn diện dựng xây đất nước.

Một mùa Xuân mới đã về mang theo biết bao niềm tin và hy vọng!

Phạm Quang Nghị