Hương phố xuân

Văn hóa - Ngày đăng : 09:09, 18/02/2018

(HNM) - Ngày còn tung tẩy với lũ bạn thời sinh viên đại học, cái thời đang mơ mộng, lãng mạn và ngấp nghé tìm yêu, vào hạ thì ngợp say với phượng vĩ đỏ rực cành, rải cánh xuống sân trường như xác pháo, sang thu cứ ngất ngây trong hương sữa nồng nàn...


Tôi tiết lộ những cảm giác ấy với bà nội, người duy nhất tôi tin cậy vào sự kín tiếng và kho tri thức đáng nể, bà tôi cười và giải thích thật giản đơn: “Cái không khí của bất cứ tiết giao mùa nào cũng vậy cả, từ xuân sang hạ, từ hạ sang thu, từ thu vào đông, rồi tiếp đến xuân, cái sự đổi gió, đổi nắng, đổi tiết, đổi trời bao giờ cũng khiến con người ta bâng khuâng một niềm khó lý giải rành rẽ, nhưng phần nhiều đều xốn xang, vui thích và hứng khởi, muốn làm một việc gì đó cho riêng mình mà chưa rõ ràng. Nhưng chúng ta ở thành phố, theo bà, có lẽ cái hương phố mới là đặc biệt. Chỉ có ai thực sự yêu thương, gắn bó với từng con phố, hẻm ngõ mới có thể cảm nhận được nét đặc biệt của hương phố. Phố phường Hà Nội mỗi mùa có hương vị riêng, nhưng hương phố những ngày chuyển tiết Xuân, giáp Tết mới quyến rũ làm sao, gợi cảm làm sao. Bởi thế, những người trưởng thành phải tha hương vì một lý do nào đó, bất chợt nghe thoáng trong sợi gió nơi xứ lạ mùi hương phố ấy, bỗng nôn nao, da diết nhớ Hà Nội biết chừng nào. Cái tâm trạng cháu cảm được trong những ngày thành phố rộn ràng và tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, dường như cũng từ chính hương phố tạo nên đấy...”.

Thuở ấy, nghe bà nói vậy thì biết vậy, nhưng thú thực tôi chỉ nghĩ chắc bà là nhà văn nên diễn đạt câu chữ bay bổng, hoa mỹ thế thôi. Vả lại, tôi vốn hiểu bà luôn biết tìm cách nói phù hợp với đối tượng giao thoại. Chắc bà nghĩ cánh học trò đang mài lưng trên ghế giảng đường như chúng tôi đầu óc vẫn còn bao la, bay bổng lắm. Nhưng rồi, đất nước chiến tranh, tôi rời giảng đường tình nguyện nhập ngũ, làm bác sĩ trạm quân y tiền phương, vai khoác AK nhưng chưa một lần nổ súng, chỉ cứu chữa thương binh, cả của quân ta và quân địch. Tôi cũng từng đón vài cái Tết trong rừng già, trên đường hành quân và ở bệnh xá. Cũng cảm được hương xuân từ những trồi non đại ngàn, từ lá cây săng lẻ, trâm bầu giữa mùi thuốc súng, mùi tân dược, cồn và cả máu đồng đội nữa. Niềm vui của Tết chiến khu cũng chỉ duy nhất là hay tin quân ta chiến thắng ở những mặt trận gần và xa. Không còn khoảng thời gian nào cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê khi lại đón những đợt chiến sĩ bị thương mới chuyển về. Rồi non sông im tiếng súng, năm hòa bình đầu tiên, tôi được ra quân trong bộ đồ giải phóng, khoác ba lô trở về trên chuyến xe đò toàn lính phục viên. Xe nghỉ mấy tiếng để tiếp xăng và cho quân tự lo ăn ở một thị xã miền Trung vào một buổi chiều muộn. Tôi lang thang trên hè phố nhập nhoạng ánh đèn vàng, tính con gái hà tiện chẳng muốn vào quán, hàng nào. Nhịn ăn dăm sáu tiếng đối với đời bộ đội vẫn là chuyện bình thường mà, bụng có ngót chút cũng sao đâu. Nhưng rồi, đi qua dưới mấy mái hiên một con phố nhỏ, trong nhà đang làm cơm chiều, bếp nhà ai thoảng mùi tỏi phi trên chảo mỡ, chắc họ đang xào rau, rồi mùi trứng tráng thơm ngậy... những món ăn quen thuộc thường ngày mẹ tôi xưa vẫn làm bốc lên hương vị ngào ngạt. Tôi hình dung một thiếu phụ, hay một cô gái nào đó đang lo bữa tối cho gia đình. Ôi, chỉ cái mùi giản dị vậy thôi, nào có cao sang thịnh soạn gì đâu, mà khiến tôi bỗng nôn nao nỗi nhớ. Phải chăng đó chính là một trong những hương phố, gần gũi, thân quen khiến đứa xa nhà đã lâu thèm khát lạ lùng. Và tôi chợt cồn cào đói, cái đói của người chưa ăn và cái đói một không khí đoàn tụ gia đình quanh mâm cơm tối...

Thế rồi, tôi trở về bên cha mẹ, anh em, niềm vui đoàn tụ rồi cũng phải nhường chỗ cho những lo toan cơm áo, việc làm những ngày sau đó. Tuy cũng bắt đầu chải chuốt, ăn diện nhưng tôi chưa hề dám hẹn hò, yêu đương, cho dù anh ấy đã thường xuyên qua nhà trò chuyện, tâm tình. Đi trên phố mỗi tối thứ bảy, chủ nhật, nhìn những cặp tình nhân sánh bước, ghé đầu bên vai nhau mà con tim bỗng rạo rực, bờ môi, cặp má nóng dậy, tâm trạng cô đơn lạ lùng, dường như sự giao lưu đôi lứa cũng khỏa tán một thứ hương lôi cuốn đến ma mị, để rồi ngay tuần lễ đó, tôi quyết định nhận lời anh trao. Nhưng trớ trêu, khi bắt đầu đã quen hơi thở và độ ấm bàn tay nhau, anh lại tòng quân, nhận lệnh lên miền biên giới. Không thể gọi là cuộc chia ly trong hòa bình, bởi đất nước đã thực sự hòa bình đâu, biên ải còn kia kẻ thù rình rập.

Dịp đó cũng vào mùa xuân. Mùa của những trùng phùng, đoàn viên, của yêu thương trao gửi, vậy mà anh ra đi, để lại trong tôi nỗi nhớ thương trong cô đơn khắc khoải. Vô tình có việc phải ngang qua những con phố đêm cuối tuần, trong gió heo may se lạnh, nghe thoảng hương nước hoa quen, loại anh vẫn thường xức, chỉ chợt thoáng qua thôi, mỏng và nhẹ vô cùng rồi không sao tìm lại nữa, mà thấy tim thổn thức nhớ, cố giấu để nước mắt không ứa tràn bờ mi. Một chị đạp chiếc xe sau chở đầy hoa ly, đủ màu tím, vàng, hồng, trắng... đi lướt qua bên tôi, mùi hương ly tỏa dài một đoạn phố làm tôi ngây ngất. Đã hơn một lần tôi mang thứ hoa này đến cắm trên bàn làm việc của anh, để rồi hai đứa ngồi đàm đạo về những trang viết chiến tranh trong hương ly ngào ngạt... Tôi thầm cảm ơn chiếc xe đạp hoa ly và cô gái làng hoa đêm cuối năm tất tả, đã cho mình sống lại một hồi không xa, cho dẫu buồn mênh mang se sắt. Tuần áp Tết luôn thường khiến ai đó chạnh lòng, buồn tủi nếu người thân không về đoàn tụ. Sự trống vắng, đơn lẻ ngày thường đã khó quên gạt, Tết đến càng bội phần hoang hoải đìu hiu. Một vài nhà ven đường mang thùng tôn, thùng phuy bắc bếp nổi lửa luộc bánh chưng ngay trên hè phố, khói nghi ngút và hương bánh chưng cũng nưng nức phố dài. Với những người vãng lai, cơ nhỡ hoặc những ai vì lý do nào đó không thể về quê ăn Tết, thứ hương này càng châm đốt cho nỗi nhớ thổi bùng lên...

*
* *

Cho đến bây giờ thì tôi hiểu bà tôi nói đúng. Những rạo rực, nôn nao, bâng khuâng trước mùa xuân, phải chăng đều bắt đầu từ hương phố. Hương phố là tổng hòa của mái tóc ai bay hương xả, bờ môi nào dậy mùi son, gió đưa từ đâu đến mùi nước hoa, dẫu quý phái, ăn chơi hay xã giao bè bạn. Rồi hương từ quất, đào, mai và đủ sắc hoa từ Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Tây Tựu... nườm nượp tràn vào Hàng Lược và theo từng chuyến mưa bụi trùm lên mọi con phố Thủ đô, tỏa ngát thơm cho mỗi nếp nhà mừng đón tân xuân. Và chẳng cần có khứu giác tinh tế lắm, hôm nay tôi còn biết thêm, những hương vị rất riêng và đặc trưng khi vào rạp xi nê, Nhà hát Lớn, lên máy bay hay giữa những tủ hàng siêu thị... Tựu trung đều là hương phố đấy thôi.

Nhưng với riêng tôi, tôi tin một điều chắc chắn, rằng người ta chỉ có thể cảm được hương phố trong sự tổng hòa ấy, khi nhận ra những hương vị từng gắn bó, gần gũi, thân quen trong hồi ức của chính mình.

Lại một cái Tết nữa đến rồi, đầu năm, các bạn hãy thong thả bước dạo trên hè phố, hít hà hương vị của mùa xuân sâu vào lồng ngực, chắc ít nhiều bạn cũng cảm nhận được hương phố, nồng nàn và thân thuộc đến chừng nào.

Xuân Mậu Tuất - 2018