Con trăn "mắc võng nằm chầu" trong ngôi đền Mẫu ở Nam Định giờ ra sao?
Đời sống - Ngày đăng : 20:30, 18/02/2018
Trăn xuất hiện sau một đêm mưa gió
Đền Mẫu ở Ninh Cường, xã Trực Phú, Trực Ninh, Nam Định vốn được xây dựng bên bờ sông Ninh Cơ, một cửa biển sầm uất. Những người dân ở khu vực lân cận thì không xa lạ với ngôi đền này, bởi hằng năm đền Quốc Mẫu đều tổ chức 3 lễ hội rất lớn.
Tuy nhiên, ngôi đền này được nhiều khách thập phương biết đến hơn bởi là nơi trú ngụ của nhiều con vật linh thiêng. Những câu chuyện xoay quanh "rắn chầu, trăn chầu" được người dân truyền tai nhau mới là nguyên nhân làm cho ngôi đền này ngày một kì bí hơn.
Sau một hôm mưa gió năm 2016, chủ từ đền Ninh Cường khi đó là ông Vũ Hữu Rụ (71 tuổi) phát hiện con trăn đang đeo mình ở máng nước phía sau ngôi thờ Mẫu.
Đầu và đuôi của nó quấn vào máng nước, thân thể to như bắp tay người lớn, dài chừng 2,5m, đu đưa từ bên này sang bên kia.
Tưởng con trăn sẽ tấn công mình, ông Rụ giật nảy mình, ngả người ra sau, nhưng nó lại không có ý định làm hại đến ông cụ từ. Nó chỉ lắc lư, mãi đến khi nhiều người tụ tập quá nó mới chuyển mình bò vào nội điện và nằm yên trên đó.
Bà Phạm Thị Liên, một người dân sống gần khu vực đền Mẫu cho biết: "Khi đến lễ chùa, nhiều người vừa vào gian chính điện thấy một con trăn nằm vắt vẻo, đang ngước mắt lên xà nhà thì rất tò mò đứng xem và chỉ trỏ".
Cũng theo bà Liên, ngày xưa có con trăn to hơn cũng từng về ở tại đền, nhưng có lẽ do nhiều người dân hiếu kì kéo đến xem nên con trăn sợ quá, bỏ đi. Con trăn này nhỏ hơn và về ở đền cũng lâu hơn.
"Lần đầu tiên về "cụ" trăn nằm ngay trên máng nước. 4-5 ngày lễ hội người ta khua chiêng múa trống nhưng "cụ" không bảo sao. Đến 17-1 tự nhiên "cụ" bỏ đi đâu không ai biết.
Mới đây, "cụ" quay về xong ở lại 7 ngày. Về cái là nằm trên mái nhà chứ không xuống đất bao giờ. Nằm ngay trên bức đại tự hoặc là nằm trên máng nước, chỉ có hai chỗ đó thôi", bà Liên kể lại.
Được biết, kích thước của con trăn này khoảng 2,5m. Vì khi nằm vắt vẻo trên xà nhà, người ta ước tính được nó dài hơn một gian nhà.
Ban đầu, nhiều người không biết cứ bảo đây là rắn khổng lồ. Tuy nhiên, nhiều người lại khẳng định đây là trăn "mắc võng" chứ không phải rắn.
Người dân đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh con trăn. (Ảnh: Kim Thược) |
Có vài người dân ban đầu khi nghe có con trăn lạ đến thì định quây bắt. Họ mang lưới, mang chăn sang chặn đầu để bắt về nhưng bị người coi đền giữ lại.
Cũng có nhiều thông tin cho rằng, con trăn này là do người trong đền nuôi nhưng ông Rụ phủ nhận thông tin đó.
Ông cũng xác nhận là người dân sống ở khu vực xung quanh cũng không có ai nuôi trăn, có lẽ là cảnh đền yên ắng lên con trăn tự tìm đến.
Trăn vàng không màng thức ăn
Gần nửa tháng người dân xì xụp quỳ lạy con trăn nằm mắc võng trên mái nhà thì bỗng dưng nó biến mất một cách nhanh chóng và lặng lẽ giống hệt như khi nó xuất hiện.
Người dân tiếc nuối, kháo nhau rằng: “Quan đã thăng rồi!”.
Thế nhưng, nửa tháng sau, bất ngờ con trăn lại nằm dài ở trên thanh xà gồ của gian nhà nội điện. Mặc cho người dân đánh trống gõ mõ, đốt hương nghi ngút, nó vẫn không thèm di chuyển.
Một chuyện lạ xảy ra vào đầu tháng Hai âm lịch năm 2017, vào dịp đền Mẫu Ninh Cường tổ chức lễ hội truyền thống, trước ngày khai hội, người dân tụ tập đông đúc để thắp hương, cúng lễ, bất giác, con trăn thả mình từ trên mái nhà, rơi tự do xuống nền.
Ông Nguyễn Văn Ngọ - Trưởng ban quản lý di tích đền Ninh Cường mở cửa nơi con trăn ở. (Ảnh: Kim Thược) |
Người dân dạt ra vì sợ hãi, nghĩ rằng con trăn sẽ có hành động bất thường. Nhưng, nó không làm gì cả, chỉ bình thản bò về phía cỗ ngai (ghế bằng gỗ, được bày trong đền) ở phía trái, thuộc hàng các quan.
Trước sự kinh ngạc của người dân, con trăn từ từ bò lên trên ngai, cuộn tròn mình trên ghế, đầu lắc lư.
Con trăn nằm trên ngai như thế suốt 4 ngày diễn ra lễ hội, người dân kéo đến đông nghìn nghịt chiêm ngưỡng.
Lần đó, con trăn ở lại 7 ngày, rồi lại biến mất. Nhưng khoảng gần một tháng sau, tức là cuối tháng Một (Âm lịch) năm 2017, cũng sau một đêm mưa dầm dề, người dân Trực Phú lại thấy trăn xuất hiện trở lại. Trăn ở tại đền Mẫu Ninh Cường thêm 3 tháng, rồi lại biến mất, hôm ấy là đầu tháng Năm (âm lịch).
Sau đó, con trăn ở ngoài tự nhiên gần 2 tháng, trước khi rơi vào lờ bắt cá của anh Vũ Văn Ánh (SN 1990, trú tại xã Trực Thuận, Nam Trực, Nam Định).
Anh Ánh bắt được con trăn, cân lên được 7,8kg, nhiều người đến trả giá con trăn 4-5 triệu, nhưng anh không bán. Là người làm nghề sông nước, anh Ánh hiểu và lo sợ những điều tâm linh liên quan đến những "thế lực" mà con người chưa biết đến.
Rất đông người dân tới tham quan cảnh chùa và chiêm ngưỡng con trăn. (Ảnh: Kim Thược) |
Vì thế, anh cung kính đưa con trăn trở lại đền Mẫu Ninh Cường vào ngày rằm tháng Tám âm lịch. Từ bấy đến nay, qua nửa năm, con trăn vẫn ở lại ngôi đền cổ kính.
Từ việc con trăn vàng xuất hiện ở đền Mẫu Ninh Cường, người ta đồn đoán sau mỗi lần biến mất rồi lại xuất hiện, có tất thảy 5 con trăn thần, đại diện cho “ngũ vị quan giám sát” lần lượt xuất hiện. Những câu chuyện về “trăn chầu” khiến ai nấy nghe được đều rợn tóc gáy.
Hiện tại, trong khuôn viên của đền Mẫu Ninh Cường, phóng viên có thể nhìn thấy rất rõ một con trăn khá lớn đang nằm cuộn mình an nhiên ở dưới gốc cây. Con trăn màu vàng nhạt, thân có hoa văn khá đẹp mắt.
Ông Nguyễn Văn Ngọ - Trưởng ban quản lý di tích đền Mẫu Ninh Cường cho hay: “Trăn rất ít khi ăn uống. Phải 3 - 6 tháng trăn mới ăn uống một lần. Chúng tôi thường mua chim bồ câu hoặc gà thả vào trong lồng. Đến khi nào đói "cụ" sẽ tự bắt để ăn".
"Ban đầu, chúng tôi đặt trứng sống, thả vịt con và gà con để làm thức ăn, nhưng con trăn không động vào một thứ gì. Nó cũng không tìm mồi, mà chỉ quẩn quẩn quanh quanh trong khu vực đền này. Mãi sau này mới bắt đầu thấy nó ăn", ông Ngọ cho biết thêm.
Càng ngày càng xuất hiện nhiều lời đồn về con trăn này. Thậm chí, người ta còn nói không chỉ có một con trăn, mà là có tới 5 con, đại diện cho “ngũ vị quan giám sát” lần lượt xuất hiện tại đền Mẫu.
Hiện tại, để con trăn có chỗ trú ẩn, ban quản lý đền Mẫu Ninh Cường dựng một ngôi lán rộng chừng 20m2, có đủ cây cỏ, bể nước, hầm mát. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải thổi phồng con trăn như một hiện tượng tâm linh nhằm thu hút khách thập phương đến với đền Mẫu. Tuy nhiên, ban quản lý kiên quyết bác bỏ đề xuất này.
Ông Ngọ phân trần: “Khi dựng lán cho trăn ở, vài người đề đạt là phải làm tấm biển ghi rõ: “Nơi cụ trăn ở”, hoặc “nơi ngài trăn ở” song tôi cho việc ấy là vô lý. Con trăn là con trăn, không phải thần thánh gì hết. Chỉ ghi đơn giản là: “Nơi trăn ở”.
Nó đến đây thì chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ, còn nếu nó bỏ đi, thì chúng tôi cũng không thể ngăn được. Đền Mẫu vốn linh thiêng, có hay không có con trăn, cũng không thay đổi gì cả”.