Hà Nội: Độc đáo lễ hội thổi cơm thi đầu xuân
Văn hóa - Ngày đăng : 20:30, 19/02/2018
Hội thổi cơm thi độc đáo diễn ra vào ngày 19-2 (mồng 4 Tết) tại Đình làng Kim, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội thu hút nhiều người dân tham dự.
Đối với người dân ở đây, thổi cơm thi vừa có ý nghĩa truyền thống là để có cơm nhanh cho binh sĩ kịp ăn trước khi lên đường ra trận, đồng thời cũng là một trò vui giải trí trong ngày hội.
Tuy nhiên, với cách nhìn của nhà nông, người ta vẫn có thể nói rằng, thổi cơm thi là một trò diễn nhằm thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, trau dồi thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp quan trọng bậc nhất do chính tay họ làm ra
Trò thổi cơm thi phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa, ý thức tôn trọng sản phẩm nông nghiệp là hạt thóc, hạt cơm.
Ở làng Kim Quan, thổi cơm thi thể hiện độ khó ở chỗ, mỗi đội thi sẽ có 4 người, niêu cơm được cố định bằng các sợi dây thép treo dưới một chiếc gậy dài khoảng 2m. Hai người phụ nữ sẽ gánh 2 đầu gậy, còn lại 2 người khác sẽ đốt lửa vào đáy niêu cơm cho đến khi cơm chín.
Các đội thi nấu cơm sẽ phải lên tục di chuyển quanh một vòng tròn lớn tại sân Đình. Đội thi nào dừng lại sẽ phạm luật.
Tài khéo được thể hiện qua việc những người phụ nữ phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phải hiểu ý nhau, điều tiết cho nhau trong các động tác đun nấu.
Vì cái niêu cơm luôn luôn chuyển động theo nhịp bước của hai người phụ nữ gánh trên vai nên những người phụ nữ khác cũng phải đi theo đúng nhịp bước ấy thì ngọn lửa mới kề sát được đáy niêu. Nhưng nếu bước không đều, không nhẹ nhàng thì niêu sẽ lủng lẳng, ngọn lửa không bám được dễ dẫn đến tình trạng cơm sống hoặc chín không đều hay không kịp thời gian.
Rồi khi cơm đã cạn thì người phụ nữ phải biết bớt lửa kẻo cơm cháy. Bớt lửa nhưng không được phép rút bớt đóm quăng đi mà phải điều chỉnh bằng cách xoay trở bó đuốc hoặc tiến lùi bước chân.
Ban tổ chức chấm điểm và người dân sẽ được tham gia thử tài các đội thi
Cùng với hội thổi cơm thi, thanh niên trai tráng trong làng cũng thích thú tham gia trò bịt mắt đập niêu. Các trò chơi này là món ăn tinh thần cho người dân nơi đây vui chơi trong dịp Tết đến, xuân về.