Giữ gìn ý nghĩa của lễ hội
Văn hóa - Ngày đăng : 07:30, 20/02/2018
Du khách trẩy hội chùa Hương trong những ngày đầu xuân. Ảnh: Khánh Huy |
Ông Trương Tuấn Anh (Tòa CT12A, chung cư Kim Văn - Kim Lũ, đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai):
Chuẩn bị kỹ để chủ động ứng phó sự cố
Đầu năm mới, trên khắp cả nước diễn ra hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ. Song thực tế là có không ít người chưa hiểu được thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội mà chính họ tham gia. Việc tham gia lễ hội theo "phong trào"; đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là gì, ý nghĩa của lễ hội ra sao… là nguyên nhân dẫn đến những ứng xử không phù hợp của một bộ phận dân chúng. Vì thế mới xảy ra tình cảnh hàng ngàn người giẫm đạp, “đè đầu cưỡi cổ” nhau tranh cướp lộc tại Lễ hội chùa Hương năm 2017; cảnh tượng cướp ấn đầy bạo lực tại Lễ hội đền Trần, hay tình trạng Lễ hội chọi trâu đang dần bị thương mại hóa,…
Tại hầu hết các địa phương, Ban Tổ chức lễ hội không bố trí đủ lực lượng bảo vệ, phương án để ứng phó kịp thời khi xảy ra “sự cố”, bị động trước lượng người đổ về tham dự lễ hội quá đông, dẫn đến tình trạng “vỡ trận”. Do đó, để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, rất cần sự vào cuộc tích cực, sự chuẩn bị kỹ càng của các cơ quan chức năng, Ban Tổ chức lễ hội tại từng địa phương, đặc biệt là nâng cao ý thức của mỗi người dân khi tham gia lễ hội.
Bà Thân Thị Tuyết (Khu tập thể Nhà máy Z133, phường Thượng Thanh, quận Long Biên):
Hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội
Từ nhiều năm nay, mỗi dịp đầu xuân năm mới tôi thường dành nhiều thời gian đi lễ chùa, tham gia nhiều lễ hội văn hóa - tâm linh tại các địa phương. Điều dễ nhận thấy là các lễ hội ngày càng được tổ chức với quy mô lớn hơn, lượng người tham gia lễ hội đông hơn. Song, dường như tỷ lệ nghịch với đó là cảnh tượng lễ hội vì thế cũng xô bồ hơn, tạo điều kiện cho nhiều hiện tượng biến tướng, gây phản cảm diễn ra. Làm gì để lễ hội không còn những hạt “sạn” là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của những người làm công tác quản lý văn hóa mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính mỗi người dân. Mỗi người tham dự lễ hội cần hiểu rõ và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Chị Phạm Kim Thoa (huyện Mỹ Đức):
Tổ chức lễ hội cần thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm
Thực tế cho thấy, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Nhưng hoạt động tổ chức lễ hội vẫn còn nhiều biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng để trục lợi. Một số địa phương còn tùy tiện cấp phép, mở rộng quy mô lễ hội, phục dựng lễ hội truyền thống không đúng, làm sai lệch các nghi thức truyền thống... Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất với yêu cầu tổ chức các hoạt động lễ hội cần thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương...
Như vậy, quy định cụ thể về quản lý và tổ chức lễ hội đã có, việc còn lại là tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm để đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, văn minh mà vẫn gìn giữ nét truyền thống.
Chị Đỗ Giang Thủy (quận Hai Bà Trưng):
Nhân lên những nét đẹp tại các lễ hội
Năm nào tôi cũng dành thời gian đi lễ Tứ trấn Thăng Long vào mùng 1 Tết Nguyên đán. Tiết xuân năm nay ấm áp nên có rất nhiều người đã chọn trang phục truyền thống áo dài đi lễ hội. Những chiếc áo dài đầy màu sắc và kiểu dáng như góp phần làm cho không khí lễ hội trang trọng và tôn nghiêm hơn.
Đặc biệt, tại các đền Tứ trấn, không thấy hình ảnh người ăn xin cũng như các hành vi chèo kéo du khách mua quà lấy may đầu năm... Mong rằng, tại các địa điểm tổ chức lễ hội khác cũng xuất hiện nhiều nét đẹp văn hóa, văn minh hòa quyện cùng bản sắc truyền thống của người Việt.