Mục tiêu mới cho xuất khẩu nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 20/02/2018

(HNM) - Nông nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm 2017 cực kỳ thành công với việc lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau, củ, quả vượt dầu thô và gạo, đạt khoảng hơn 3,3 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt gần 37 tỷ USD...

Chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Sơn Hà


Thời cơ và thách thức

Đầu năm 2018, ngành Nông nghiệp đón nhận niềm vui mới khi phái đoàn Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia sang kiểm tra, đánh giá thực tế vùng trồng, sơ chế, đóng gói trái cây tại một số địa phương của Việt Nam. Sau đánh giá thực tế tại 2 vùng trồng nhãn tại tỉnh Bến Tre và Hưng Yên, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia sẽ đàm phán, thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật với phía Việt Nam. Dự kiến, quả nhãn của Việt Nam có thể chính thức xuất khẩu sang Australia từ năm 2019.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá: Rau, quả đang là mặt hàng chiến lược của ngành Nông nghiệp. Với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, tham tán Việt Nam tại nước ngoài đã giúp nông sản Việt nói chung và mặt hàng rau, quả nói riêng mở rộng thị trường, khẳng định được vị thế.

Cùng với thành công trên, trong tháng 1-2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng đầy ấn tượng, đạt 3,09 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Mặc dù đạt kết quả khả quan song xuất khẩu nông sản còn đối diện với nhiều khó khăn. Mới đây, tại cuộc họp đánh giá về tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2017, Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản cho rằng hệ thống thu thập và cập nhật dữ liệu thông tin về chế biến và bảo quản sản phẩm các ngành hàng nông sản chưa ổn định; công tác thông tin, dự báo còn hạn chế, nhất là thông tin, dự báo đến người sản xuất, kinh doanh về sản lượng, kiểm soát cung cầu thị trường và các xu hướng biến động. Công tác xúc tiến thương mại của ngành Nông nghiệp chưa có sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng... nên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Cùng với tồn tại trong sản xuất và quản lý, xuất khẩu nông sản Việt phải đối mặt với những quy định, rào cản thương mại của thị trường thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, những khó khăn đó là sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước, kể cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc… Việc đàm phán cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào các thị trường gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (khoảng 5 đến 7 năm). Các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao. Các chính sách mới và cảnh báo của những nước, khu vực đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam (như đạo luật chống bán phá giá cá da trơn của Mỹ...) làm hạn chế việc xuất khẩu nông sản là thế mạnh của Việt Nam.

Tích cực tháo gỡ khó khăn

Rau, quả là mặt hàng đạt kỷ lục xuất khẩu trong năm 2017.


Dù xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, song theo dự báo về xu thế phục hồi kinh tế, thương mại chung của thế giới, năm 2018 dự kiến sẽ là năm Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao, tiếp tục duy trì được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại, bảo đảm khả năng xuất siêu.

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Đồng thời, tập trung xây dựng, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; sửa đổi, bổ sung một số điều và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để sớm đi vào thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm 50% thủ tục hành chính; tạo sự chuyển biến căn bản về xây dựng chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ, trọng tâm là tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với xúc tiến thương mại, ông Trần Thanh Nam cho biết: Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các tranh chấp thương mại, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; tham gia vào tiến trình đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... và các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi.

Ngoài ra, các đơn vị của Bộ kịp thời thông tin những chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường (nhu cầu, thị hiếu, bao bì, mẫu mã đặc thù....) của các nước, vùng lãnh thổ và đề xuất giải pháp thích hợp với những chính sách của nước sở tại cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam...

Năm 2018, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt từ 3,3 đến 3,5%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó nông sản 22 tỷ USD, lâm sản 9 tỷ USD và thủy sản 9 tỷ USD.

Ngọc Quỳnh