Linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ
Tài chính - Ngày đăng : 08:03, 20/02/2018
Ngành Ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát.Ảnh: Hải Anh |
Lợi nhuận tăng cao
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhờ xử lý nợ xấu và sự đi lên của thị trường bất động sản, lợi nhuận trước thuế của ngành Ngân hàng cao hơn khoảng 40% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế tăng 44%. Phân tích lý do giúp lợi nhuận của ngành Ngân hàng tăng mạnh, ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, do tín dụng tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm.
Lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1% so với năm 2016, chiếm 79% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định. Tỷ lệ tín dụng/huy động bình quân của hệ thống khoảng 87,3% (năm 2016 là 85,6%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân của tổ chức tín dụng giảm nhẹ, ước khoảng 31,2% (cuối năm 2016 là 34,5%).
Quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng được đẩy nhanh hơn, nhất là trong những tháng cuối năm 2017. Toàn ngành đã xử lý được 70.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016; tính chung, tỷ lệ nợ xấu của ngành Ngân hàng năm 2017 là 9,5% tổng dư nợ.
Kết quả kinh doanh thời gian tới có thể còn khả quan hơn nữa nhờ tác động của việc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và tăng thu nhập thông qua hoàn nhập dự phòng. Đồng thời, thu nhập từ nguồn thu phí hoạt động dịch vụ và hoa hồng từ bán chéo bảo hiểm cũng giúp kết quả kinh doanh của các "nhà băng" tốt hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn cao (70-80%), tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn gần 50%. Do vậy, các ngân hàng thương mại cần chú trọng việc cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm nguy cơ rủi ro, đồng thời bảo đảm lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Điều chỉnh chính sách phù hợp thực tế
Với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, tín dụng tăng 18%, nhưng trước nhu cầu vốn ngày càng cao, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều chỉnh về tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng. Tùy "sức khỏe" của mỗi ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng đã được "nới" từ 18% lên 20%, thậm chí hơn. Vì vậy, sau những năm khó khăn trong việc đẩy tín dụng tăng cao, năm 2017 được đánh giá là thành công đối với ngành Ngân hàng.
Về chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Cụ thể, tổ chức thực hiện các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để tiếp tục tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn và chất lượng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, bảo đảm hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh; tiếp tục triển khai cơ cấu lại tổ chức tín dụng và đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao quy định an toàn đối với hoạt động của tổ chức tín dụng theo nguyên tắc từng bước hoàn thiện theo thông lệ, chuẩn mực an toàn quốc tế. Đặc biệt đã hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật và các điều kiện để thực hiện theo cơ chế thị trường.
Những giải pháp đồng bộ cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra như một thông điệp tới toàn ngành, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Tập trung rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động thanh toán, an toàn vĩ mô, ổn định tài chính, cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tăng cường sự an toàn, ổn định trong hoạt động. Đồng thời bổ sung các quy định để tăng cường xử lý việc sở hữu chéo, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng và các bất cập về pháp lý liên quan khác.
Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường vốn, ổn định thị trường ngoại tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Ngoài ra là điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của tổ chức tín dụng và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục kiểm soát chặt nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ bảo đảm phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường tiền tệ...