Hướng tới sự chuẩn mực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 21/02/2018

(HNM) - Bước vào mùa lễ hội năm nay, đâu đó vẫn còn những trăn trở bởi dư âm từ lễ hội các năm trước: Liệu có còn diễn ra hiện tượng cướp lộc, cướp phết, thậm chí ẩu đả để giành “lộc thánh”, nhếch nhác, xô bồ…


Hay những “tục lệ” chém lợn, đâm trâu bị lên án nhiều năm qua? Những hình ảnh tiêu cực đó đã không còn chỉ là câu chuyện trong một lễ hội...

Phải khẳng định rằng, đi lễ hội vào những ngày đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam. Mỗi người khi đến đền, chùa hoặc dự lễ hội đều hướng về những điều thiêng liêng, tốt đẹp, cầu một năm mới bình an, như ý. Và hơn tất cả, đến với các lễ hội tâm linh là để thanh tịnh tâm hồn sau một năm bộn bề lo toan. Hoạt động lễ hội là nét đẹp, mang giá trị văn hóa sâu đậm, mọi người phải có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn bản sắc truyền thống đó cho hôm nay và mai sau.

Với Hà Nội, nơi mỗi năm diễn ra hơn 1.200 lễ hội lớn, nhỏ, trong đó tập trung nhất vào dịp đầu xuân tại các di tích, danh thắng nổi tiếng như: Chùa Hương (Mỹ Đức), đền Sóc (Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)... là lễ hội của vùng, thu hút hàng trăm nghìn khách hành hương, khách du lịch trong nước, quốc tế tham gia. Bảo đảm hoạt động lễ hội an toàn, văn minh, hạn chế các hoạt động mê tín, dị đoan là vấn đề hết sức nan giải.

Rõ ràng, đến với lễ hội là phải tâm lành, ý thiện. Không phải cứ chen lấn, xô đẩy, dâng cúng hoành tráng để “vua biết mặt, chúa biết tên” là thực hiện được ước nguyện... Trước mùa lễ hội năm nay, nhiều nhà quản lý - nghiên cứu văn hóa đã đưa ra các khuyến cáo và hiến kế với chính quyền, ngành chức năng phương án để điều chỉnh, hạn chế những biến tướng trong lễ hội. Trong đó có những biện pháp trước mắt như quy định rõ việc dâng mâm cúng, dâng nhang; điều chỉnh giờ mở cửa, giờ phát lộc; bố trí số người phù hợp ở từng điểm nóng để giải quyết sự cố... Về lâu dài cần giảm tổ chức lễ hội không phải truyền thống, xây dựng văn hóa ứng xử trong lễ hội, đối thoại với cộng đồng để loại bỏ hủ tục…

Để lễ hội thực sự văn minh, ngoài trách nhiệm quản lý, tuyên truyền của cơ quan chức năng, chính quyền và ban tổ chức lễ hội địa phương, điều quan trọng là phải nâng cao được nhận thức của mỗi người tham dự. Điều đó bắt đầu bằng những việc đơn giản như bỏ rác đúng nơi qui định, tuân thủ quy định trong việc dâng đồ lễ; tuyệt đối không đốt vàng mã, thậm chí hạn chế tối đa việc đốt hương, nến tại các lễ hội, vừa tránh lãng phí tiền của, giảm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dự lễ.

Bên cạnh đó cần giảm bớt “phần lễ” trong khâu tổ chức mà tập trung vào “phần hội” với các không gian văn hóa bổ ích, lành mạnh, phù hợp quy mô, tính chất lễ hội. Theo đó, người dự lễ có thể tham gia trực tiếp các hoạt động “hội” mang đậm chất văn hóa địa phương để hiểu hơn về sự kiện mà mình đang tham dự cũng như trả lại đúng ý nghĩa của lễ hội.

Lễ hội là một phần đời sống văn hóa không thể thiếu của người dân. Tuy nhiên, để loại bỏ những tiêu cực, biến tướng đang diễn ra trong lễ hội tại các địa phương, đã đến lúc hoạt động của lễ hội cần có sự điều chỉnh bởi các quy định chuẩn mực cụ thể của pháp luật và sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan quản lý văn hóa. Có như vậy, chúng ta mới có được những lễ hội văn minh, an toàn mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Duy Biên