Chuyến công du chiến lược
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 21/02/2018
Trong cuộc hội đàm về các vấn đề song phương, khu vực và đa phương, Tổng thống H.Rouhani và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều bày tỏ hài lòng về tiến bộ đạt được trong quan hệ giữa hai bên kể từ sau chuyến thăm Tehran của Thủ tướng N.Modi hồi tháng 5-2016.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc hội đàm tại New Delhi ngày 17/2. (Nguồn: EPS) |
Ấn Độ và Iran có các mối quan hệ kinh tế và thương mại mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực dù New Delhi từ trước đến nay chủ yếu nhập dầu thô của Tehran. Hai nước tiếp tục theo đuổi các quan hệ thương mại ngay cả khi Iran bị cô lập toàn cầu do các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của nước này từ năm 2012 đến năm 2016. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, thương mại song phương giữa hai nước trong tài khóa 2016-2017 là 12,89 tỷ USD.
Trong chuyến thăm Iran năm 2016 của Thủ tướng N.Modi, hai nước đã ký kết khoảng 12 thỏa thuận, trong đó có Thỏa thuận quá cảnh ba bên (Thỏa thuận Chabahar) giữa các bộ trưởng giao thông của Ấn Độ, Iran và Afghanistan dưới sự chứng kiến của Thủ tướng N.Modi, Tổng thống H.Rouhani và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Và trong chuyến thăm này, hai nước đã ký kết 15 hiệp định, thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực an ninh, thương mại và năng lượng. Hai bên cũng thảo luận về các mối đe dọa của khủng bố, chống buôn bán ma túy cùng những thách thức khác của khu vực và quốc tế.
Điểm đáng chú ý nhất là Tehran và New Delhi đã ký một thỏa thuận thúc đẩy phát triển dự án cảng chiến lược Chabahar ở miền Đông Nam Iran với số vốn trị giá khoảng 85 triệu USD mà Ấn Độ cam kết đầu tư, cũng như các dự án vận tải đường bộ từ Chabahar tới Afghanistan. Dự án này tạo ra viễn cảnh hàng hóa Ấn Độ tràn ngập Trung Á và Afghanistan, qua đó cạnh tranh với hải cảng Gwadar của Pakistan trên bàn cờ chiến lược Ấn Độ Dương.
Mối quan hệ vốn căng thẳng với Pakistan đã khiến Ấn Độ gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường Iran, Afghanistan, khu vực Trung Á và Vùng Vịnh. Pakistan không cho phép hàng hóa của Ấn Độ vận chuyển qua lãnh thổ của họ. Bằng cách đầu tư mở rộng cảng Chabahar, Ấn Độ đã giải được bài toán khó nói trên bằng một tuyến đường vận tải mới an toàn hơn. Iran thì đang cần vốn đầu tư, trong khi Ấn Độ cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang Iran, Afghanistan, các nước Trung Á cũng như Châu Âu. Quan hệ lợi ích chiến lược này được hai nước thúc đẩy mạnh mẽ. Dự án đầu tư của Ấn Độ vào cảng chiến lược Chabahar của Iran không chỉ được kỳ vọng sẽ tạo ra một sự gia tăng đáng kể cho thương mại song phương, mà còn là giải pháp chiến lược của Ấn Độ khi đang phải đối mặt với một nền kinh tế 6 quý liên tục giảm tăng trưởng, khoảng 12 triệu người thiếu việc làm.
Về chính trị, nền tảng mối quan hệ của Ấn Độ với Iran vẫn ổn định trong những năm gần đây, mặc dù cũng có những trục trặc trong thời kỳ trừng phạt cao nhất chống lại Tehran bởi chính quyền Barack Obama và ngay cả trong thời Tổng thống Donald Trump. Chính vì thế, chuyến thăm của Tổng thống H.Rouhani được cho là tìm kiếm sự cân bằng chính trị bởi Ấn Độ có quan hệ tốt và "lợi ích chiến lược" với nhiều nước Ả rập và Israel. Với mối quan hệ đa chiều ở khu vực Trung Đông, Ấn Độ có thể làm dịu căng thẳng giữa Israel và Iran cũng như giữa Iran với các nước Ả rập. Chuyến thăm Ấn Độ của ông H.Rouhani vào đúng thời điểm các quan chức Mỹ và Israel không chấp thuận chương trình phòng thủ tên lửa của Iran. Trong khi đó, Ấn Độ đã đạt được một vị thế tốt hơn trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ và đó là cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Iran nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân góp phần củng cố kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế.