Thêm hiểu tâm thức văn hóa Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 07:37, 21/02/2018
Tọa đàm về cuốn sách “Hội hè lễ tết của người Việt”. |
- Ông có thể chia sẻ đôi điều khi bản dịch của Đỗ Trọng Quang, Trần Đỉnh in trong "Nguyễn Văn Huyên, góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam" được tái bản với diện mạo mới dưới cái tên "Hội hè lễ tết của người Việt"?
- "Nguyễn Văn Huyên, góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam" gồm 2 tập, do Giáo sư Hà Văn Tấn chủ biên, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội phát hành năm 1995-1996 là một bộ sách đồ sộ, tập hợp rất nhiều tài liệu nghiên cứu của bố tôi. Đồ sộ, quy mô nên lượng bản in không nhiều, và không phải nhà nghiên cứu nào cũng được biết đến những tư liệu nghiên cứu quý giá ấy. Chính vì vậy, việc Nhã Nam ký hợp đồng bản quyền trong vòng 10 năm cùng gia đình tác giả Nguyễn Văn Huyên để xuất bản từng phần của bộ sách này theo từng thời điểm phù hợp - thực sự quý giá. Tôi nghĩ, cuốn "Hội hè lễ tết của người Việt" ra mắt dịp này rất có ý nghĩa. Tôi hy vọng việc xuất bản từng phần tư liệu nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên sẽ giúp đưa tác phẩm của ông đến gần hơn với độc giả. "Hội hè lễ tết của người Việt" với hơn 420 trang, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu nghiêm túc, khoa học.
- Nói cách khác, cuốn "Hội hè lễ tết của người Việt" thực sự là một món quà quý đầu xuân...
- Tên tuổi và sự nghiệp học giả Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành Dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, chính quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), từ tháng 8-1938, Nguyễn Văn Huyên đã làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), trở thành thành viên khoa học ngang hàng với các học giả người Pháp ở viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về Đông phương học này.
Cuốn sách "Hội hè lễ tết của người Việt" tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ - tết - hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận này, trước hết, là cách trò chuyện thú vị giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp. Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, Nguyễn Văn Huyên còn tiến đến những vấn đề về nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: Chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.
- Cuốn sách cung cấp rất nhiều thông tin giá trị, được đề cập một cách hệ thống, khoa học về Tết Nguyên đán của người Việt Nam, tiết thanh minh và sự giữ gìn mồ mả, Tết Đoan Ngọ cùng những tục cúng lễ trừ tà ma mùa hè, Tết Trung thu... Ông nghĩ gì về những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm?
- Giáo sư Hà Văn Tấn từng nói một ý rất hay, đó là hãy đọc giữa 2 dòng chữ để thấy được những điều Nguyễn Văn Huyên muốn gửi gắm. Qua nguồn tư liệu phong phú, khoa học, học giả Nguyễn Văn Huyên đã đi tìm, và chứng minh rằng Việt Nam có nền văn minh riêng, dân tộc Việt Nam có chiều sâu văn hóa, đậm bản sắc. Ví như phân tích về tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, ông một mặt nêu rõ ảnh hưởng của Trung Quốc trong ước vọng bất tử của người Việt, nhưng ngay sau đó, ông đưa danh sách các thần tiên Việt Nam, gốc gác Việt Nam, vô cùng gần gũi. Viết về Tết Nguyên đán, ông giúp ta hiểu được văn hóa, tâm thức văn hóa Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến tôi lại giở các trang viết của ông ra đọc, mỗi lần đọc lại thấy ý nghĩa mới. Nguyễn Văn Huyên viết về Tết với sự nghiên cứu tỉ mỉ của một sử gia, nhà dân tộc học, nhà xã hội học. Tất cả được viết một cách nhuần nhuyễn, với nguồn tư liệu vô cùng phong phú.
- Đó thực sự là những tư liệu cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay hội hè, lễ tết của người Việt ở nhiều nơi có tình trạng tổ chức na ná nhau, không giữ được bản sắc và ý nghĩa thực sự, thưa ông?
- Nguyễn Văn Huyên không đặt lễ - tết - hội hè theo kiểu đóng kín, bất động, mà luôn đặt các nghi thức này trong dòng biến đổi chung của xã hội. Trong cuốn "Hội hè lễ tết của người Việt", ông chia sẻ một câu chuyện rất thú vị. Đó là khi thu thập các bài hát Ải lao, ông đã ghi lại 1 bài của tri huyện sáng tác, cải biên, đưa cho đoàn hát Ải lao trình diễn. Tác phẩm này được tất cả đón nhận với sự ưng ý, tự hào. Câu chuyện cho thấy phong tục Việt Nam biến đổi như thế nào, và việc tìm hiểu, thực hành luôn cần có sự sàng lọc, chắt lọc.
Ngay với những bài liên quan đến ngày Tết Nguyên đán, sau nguồn tư liệu phong phú, Nguyễn Văn Huyên trước tiên nói rõ được tâm thức xã hội về tầm quan trọng của lễ tết với con người ở thời đó, cũng như sự quan trọng của ngày tết ấy như hạt nhân nối tiếp truyền thống văn hóa của Việt Nam. Thứ hai, ông gửi gắm thông điệp, qua mỗi kỳ lễ tết sẽ góp phần làm tươi mới đời sống xã hội, giúp củng cố cộng đồng, củng cố tình cảm giữa người với người. Đó chính là bản chất của lễ - tết - hội hè mà chúng ta cần phát huy, giữ gìn, chứ không nên quá câu nệ nghi thức, hình thức.
- Trân trọng cảm ơn ông!