Trở ngại mới cho hòa bình Syria
Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 22/02/2018
Phát biểu trước Quốc hội ngày 20-2, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết trong vài ngày tới các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bao vây trung tâm TP Afrin. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo vào các lực lượng thân Chính phủ Syria sau khi hàng trăm tay súng thuộc lực lượng này tiến vào vùng Afrin do người Kurd kiểm soát nhằm chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong chiến dịch “Cành ô liu”.
Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, khoảng 1.780 tay súng đã bị “vô hiệu hóa” kể từ khi chiến dịch được triển khai tại Afrin. Ankara khẳng định hoạt động này nhằm thiết lập an ninh, ổn định cho khu vực biên giới và bảo vệ dân thường Syria khỏi những kẻ khủng bố tàn độc. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật vì có quan hệ với phe nổi dậy người Kurd tại nước này.
Giới quan sát nhận định, căng thẳng trong quá trình triển khai chiến dịch “Cành ô liu” sẽ gây ảnh hưởng tới tiến trình hòa giải dân tộc của Syria, trong đó lợi ích của người Kurd là một trong những vấn đề cốt lõi không thể không bàn tới. Bằng chứng là chính quyền Khu tự trị người Kurd tại Syria không tham dự các cuộc hội đàm trong khuôn khổ Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra trong hai ngày 29 và 30-1 tại khu nghỉ dưỡng ở TP Sochi (Nga).
Lý do của sự vắng mặt này là nhằm phản đối chiến dịch quân sự “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin có đông người Kurd sinh sống. Đa số phe đối lập tại Syria cũng đã tẩy chay Đại hội, khiến hy vọng về quá trình chuyển đổi dân chủ và toàn diện của Syria ngày càng giảm sút.
Bên cạnh đó, ba trụ cột của các vòng đàm phán về hòa bình Syria tại thủ đô Astana (Kazakhstan) là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không tránh khỏi việc theo đuổi những mục tiêu khác nhau tại Afrin. Dù không phản đối mạnh mẽ các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, Mátxcơva vẫn đang muốn duy trì vai trò trung lập trong mối quan hệ đan xen đầy phức tạp tại Afrin.
Tehran cũng cố gắng thể hiện vai trò trung gian hòa giải giữa lực lượng người Kurd, quân đội Syria cũng như nhiều nhóm đối lập thân Iran, nhằm khẳng định vị thế tại khu vực. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại người Kurd có thể sử dụng sự hậu thuẫn của Mỹ để duy trì quyền tự trị tại miền Bắc Syria thì Nga, Iran và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad lại thể hiện quan điểm sẵn sàng để người Kurd tham gia vào các cuộc đối thoại hòa bình.
Các chuyên gia cũng không loại trừ nguy cơ bùng phát một cuộc chiến xuyên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nhiều thành phố thuộc tỉnh miền Nam Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) đã trúng nhiều loạt tên lửa đáp trả từ Afrin khiến hàng chục người thương vong.
Bên cạnh đó, chiến dịch này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ do YPG là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu lực lượng thân Chính phủ Syria sát cánh cùng lực lượng người Kurd tham chiến ở Afrin nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, cục diện tại đây sẽ càng phức tạp và rất khó kiểm soát.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Syria dần đi đến hồi kết và chuyển sang các giải pháp chính trị, những bên liên quan đều phải tính toán đến lợi ích của mình thời hậu chiến. Tình hình tại Afrin một lần nữa cho thấy, tiến trình hòa bình tại đất nước bị chiến tranh tàn phá này chưa bao giờ dễ dàng khi nó còn phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài.