Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm

Tài chính - Ngày đăng : 07:25, 22/02/2018

(HNM) - Chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Người dân nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


- Lần đầu tiên trong 10 năm qua, chúng ta quản lý được bội chi ngân sách, góp phần giảm nợ công từ 63,6% xuống còn 61,3% GDP vào cuối năm 2017. Những giải pháp nào đã được triển khai để có kết quả trên, thưa Bộ trưởng?

- Trong bối cảnh nợ công tăng rất cao, áp lực lớn nhất là làm sao vừa bảo đảm an toàn nợ công vừa bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho phát triển. Do đó, hoàn thiện thể chế là ưu tiên mà ngành Tài chính hướng tới. Sau Nghị quyết 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững ban hành năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với những quy định mới chặt chẽ hơn, như siết điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ; dành nguồn vốn vay ngân sách cho các dự án quan trọng; tập trung đầu mối quản lý nợ công; cụ thể hóa phạm vi nợ công...

Bên cạnh đó, việc điều hành bám sát mức bội chi ngân sách nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi đã được hoạch định là 3,5% năm 2017; 3,7% năm 2018; 3,6% năm 2019 và 3,4% năm 2020 để kiểm soát trần nợ công.

Một giải pháp nữa là tăng cường thanh tra, kiểm tra và minh bạch tài chính công, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ đầu tư công; hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thời gian qua, các ngành Thanh tra, Kiểm toán, kể cả Tài chính các cấp cũng vào cuộc đồng bộ và quyết liệt. Tất nhiên còn nhiều tồn tại nhưng bước đầu đã đánh giá cụ thể thực trạng, có giải pháp phù hợp để xử lý...

Mặc dù vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công hơn nữa, nhưng bước đầu các giải pháp đang triển khai rất đúng hướng, góp phần đưa tỷ lệ nợ công xuống 61,3% GDP, nợ Chính phủ 51,6%, thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép là 65% và 54,5%.

- Bên cạnh nợ công, những tháng cuối năm 2017, nguy cơ mất cân đối ngân sách hiện hữu, tiến độ thu ngân sách chậm, tỷ lệ thu về cho ngân sách trung ương khó khăn... Bộ trưởng có thể chia sẻ về giải pháp để vượt qua những thách thức này?

- Năm 2017 không phải năm đầu tiên ngành Tài chính đứng trước thách thức về cân đối ngân sách. Vì vậy, ngay từ đầu năm, khi Quốc hội phê duyệt dự toán, Bộ Tài chính đã yêu cầu giao dự toán đến từng đơn vị để triển khai kịp thời. Nói đến giải pháp tăng thu ngân sách, căn cơ nhất vẫn là kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với định hướng đó, các đơn vị của ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, giải quyết kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Cơ quan thuế, hải quan đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, kê khai, nộp thuế nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Những giải pháp này đã và sẽ có tác động nhiều mặt, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và cũng tạo sự bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp hoạt động tốt, kinh tế phát triển tốt thì thu ngân sách cũng sẽ tốt.

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, ngành Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có nhiều rủi ro, có dấu hiệu vi phạm; tiếp tục các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế,... chống thất thu tối đa. Nhờ triển khai khá toàn diện các giải pháp nên kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 5,9%; ngân sách trung ương được bảo đảm, góp phần tăng cường nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, các nhiệm vụ chi theo dự toán, giữ vững bội chi ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội.

- Năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi nét về những định hướng để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong năm 2018?


- Việc tiếp tục hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn là nhiệm vụ ưu tiên của ngành Tài chính trong năm 2018. Bên cạnh đó, việc chủ động các giải pháp hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước; tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đi vào thực chất,...

Đặc biệt, toàn ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh kiểm tra nội bộ trong toàn ngành để đánh giá việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm trong thực thi công vụ; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu đơn vị. Các cấp phải nâng cao trách nhiệm, gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ tài chính trong mắt nhân dân, doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đức Anh thực hiện