Dấu mốc của sự đồng thuận
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 23/02/2018
CPTPP (trước đây có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP với 12 thành viên) đã rơi vào bế tắc và tưởng chừng hết hy vọng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi hiệp định, để ưu tiên bảo vệ việc làm cho lao động trong nước. Tuy nhiên sau đó, 11 quốc gia thành viên còn lại (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) do Nhật Bản dẫn dắt đã hoàn tất một hiệp định thương mại sửa đổi (CPTPP). Sau cuộc họp ngày 23-1 tại Tokyo (Nhật Bản), các nước đã đạt được sự nhất trí về nội dung sửa đổi, và dự kiến sẽ ký chính thức tại Chile trong ngày 8-3 tới.
Dự kiến Hiệp định CPTPP sẽ được ký chính thức vào ngày 8-3 tới. |
Hiệp định sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019, nhưng ngay từ lúc này nhiều quốc gia đã bày tỏ kỳ vọng CPTPP sẽ đem tới những thay đổi tích cực đối với nền kinh tế của mỗi nước. Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo, việc tham gia CPTPP sẽ giúp nước này tạo ra nhiều việc làm mới trong các lĩnh vực, từ nông nghiệp, chế tạo, khai khoáng tới dịch vụ, đồng thời đem tới nhiều cơ hội từ khu vực thương mại tự do trải dài từ Châu Mỹ tới Châu Á.
Với Canada, hoạt động xuất khẩu tới các nước thành viên CPTPP dự kiến sẽ tăng thêm 2,7 tỷ CAD (tương đương 2,13 tỷ USD) vào năm 2040 (tăng 4,2%), thay vì chỉ 1,5 tỷ CAD (1,18 tỷ USD) như dự toán theo TPP trước đây. Tương tự, New Zealand cũng kỳ vọng CPTPP sẽ giúp nền kinh tế thu được thêm 1,2 tỷ đến 4 tỷ NZD (tương đương 800 triệu tới 2,94 tỷ USD) mỗi năm, nhờ vào xuất khẩu thịt bò và quả kiwi. Ước tính, CPTPP sẽ giảm đáng kể các khoản thuế, phí hải quan, có thể lên tới 10 ngàn tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu (thậm chí 40% nếu có sự hiện diện của Mỹ).
Sau khi có hiệu lực, bất kỳ quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào đều có thể tiếp tục gia nhập, tất nhiên phải tuân theo các điều khoản và điều kiện đã được thống nhất. Trong dự thảo cuối cùng của CPTPP, đã có hơn 20 điều khoản bị tạm treo hoặc đã được thay đổi. Trong đó, có những điều khoản liên quan tới việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vốn được đưa vào TPP trước đây theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, ví dụ như quy định nhằm tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của dược phẩm, điều khiến một số chính phủ và các nhà hoạt động lo ngại giá thuốc sẽ bị đẩy lên cao.
Động thái công bố dự thảo cuối cùng của CPTPP được giới quan chức tại Nhật Bản và nhiều quốc gia thành viên đánh giá như một giải pháp quan trọng để ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng của Mỹ. Tuy nhiên, 11 thành viên CPTPP vẫn kỳ vọng Washington sẽ suy nghĩ lại và tái gia nhập hiệp định này. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 (diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ hồi cuối tháng 1 vừa qua), Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố Washington có thể sẽ tham gia trở lại hiệp định, nếu họ có được một thỏa thuận tốt hơn. Vậy nhưng, một số chuyên gia nhận định, khả năng Mỹ tham gia trở lại trong một vài năm tới là ít. Mặt khác, ngay cả khi điều đó xảy ra, cũng không có gì bảo đảm là các quốc gia thành viên CPTPP sẽ rút bỏ những điều khoản đang tạm treo. Ngoài Mỹ, hiện nay nhiều nước cũng đã đề cập khả năng gia nhập của Anh, sau khi đảo quốc sương mù rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit).
Dù chưa tới mốc quan trọng 8-3, nhưng việc các nước công bố chính thức văn bản dự thảo cuối cùng có thể coi là tín hiệu rõ ràng nhất từ trước tới nay, khẳng định sự tồn tại và khả năng hiện thực hóa cao nhất của CPTPP.