Nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi
Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 23/02/2018
Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi của thành phố là chủ trương đúng, phù hợp chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành Thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường… Chỉ khi bàn giao cho thành phố (đại diện là 5 doanh nghiệp) quản lý, vận hành thì công trình thủy lợi mới có điều kiện được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, đồng bộ; đội ngũ cán bộ, công nhân thủy nông được đào tạo nghiệp vụ. Và cũng khi đó mới chấm dứt tình trạng tranh chấp diện tích tưới của công ty với công trình do cấp xã và các hợp tác xã quản lý, ngăn chặn thất thoát ngân sách nhà nước…
Thực hiện chủ trương của thành phố, đến nay, 5 doanh nghiệp thủy lợi đã tiếp nhận quản lý vận hành 1.837 trạm bơm điện, với 4.139 máy các loại; 35.422 tuyến kênh, tổng chiều dài 20.017km; 95 hồ chứa nước.
Theo ông Đặng Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích, hiện nay số lượng công trình công ty quản lý tăng hơn 3 lần so với khi chưa nhận bàn giao. Tuy vậy, nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng hoặc có điểm đặt máy mà không có nhà trạm, không có nguồn điện, máy bơm di động, phân bố trên địa bàn rộng… nên công tác quản lý vận hành của đơn vị gặp khó khăn. Mặt khác, do nhiều công trình trước đây đầu tư bằng vốn đóng góp của nhân dân, khi bàn giao chưa được hỗ trợ kinh phí nên một số địa phương không phối hợp với công ty hoặc không bàn giao công trình, không ký hợp đồng tưới, tiêu…
Tìm hiểu thực tế, 4 doanh nghiệp thủy lợi còn lại của thành phố cũng gặp khó khăn tương tự Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích. Vấn đề đặt ra đối với ngành Nông nghiệp Hà Nội hiện nay là tìm ra giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi sau giao nhận, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm ngân sách của thành phố…
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, để chủ trương của thành phố phát huy hiệu quả cao cần sự vào cuộc quyết liệt của các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp thủy lợi và cơ quan liên quan để sớm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình bàn giao công trình. Trước mắt, các doanh nghiệp có thể sử dụng cán bộ, công nhân tại các hợp tác xã nông nghiệp để quản lý, vận hành và bảo vệ công trình trong điều kiện chưa bố trí được nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy lợi cần quyết liệt rà soát, sắp xếp lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng quy chế khoán cho xí nghiệp, cụm, trạm, tổ, đội và người lao động; nghiên cứu chuyển sang cơ chế thu nhập theo kết quả lao động, tạo động lực cho từng thành viên có tinh thần phấn đấu, phá vỡ sức ỳ trong hoạt động, tăng khả năng sáng tạo, cải tiến trong lao động…
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp các ngành liên quan rà soát và quy hoạch lại hệ thống công trình thủy lợi; hoàn thiện, đổi mới thể chế chính sách quản lý, khai thác công trình; trong đó sẽ nghiên cứu, thí điểm chuyển từ phương thức đặt hàng sang phương thức đấu thầu quản lý, khai thác đối với hệ thống công trình thủy lợi nhỏ, độc lập để tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công ích phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ xây dựng tiêu chí cho các dự án phát triển thủy lợi sử dụng nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, xã hội hóa; xây dựng cơ chế, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng và tham gia quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, sẽ tăng cường nghiên cứu các giải pháp công nghệ, thúc đẩy các mô hình thực hiện tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng...