Lễ hội bơi chải thuyền rồng hồ Tây: Tìm về nét đẹp truyền thống

Văn hóa - Ngày đăng : 16:18, 24/02/2018

(HNMO) - Sáng nay (24-2), Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng lần thứ nhất diễn ra tại hồ Tây thu hút hàng ngàn người dân và du khách.

Không khí lễ hội trên hồ Tây

Sáng thứ bảy đầu xuân Mậu Tuất, đoạn đường Thanh Niên vốn dày đặc xe cộ và người dân đi lễ chùa, hôm nay thêm đông vui hơn. Từ đầu phố Thanh Niên - đoạn cắt phố Phan Đình Phùng, hai bãi để xe được quây dây thừng trên vỉa hè kín chỗ từ 9h sáng. Chị trông xe thấy khách bèn giới thiệu: “Hôm nay ở đây vui lắm, vừa đi lễ vừa xem bơi thuyền trên hồ, đến chiều là hết, tranh thủ vào mà xem”. Ngày nghỉ lại vào hôm có lễ hội, tưởng giá gửi xe sẽ “cắt cổ”, không ngờ cũng chỉ nhích hơn ngày thường đôi chút - 10.000đ/xe máy.

Đông đảo người dân đến xem lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng lần thứ nhất.


Khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng là nơi Ban tổ chức Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng lắp đặt sân khấu làm lễ khai mạc. Các tiết mục văn nghệ chào mừng và tiếng trống hội giòn giã từ sáng. Trên loa, MC liên tục giới thiệu các nội dung của lễ hội bơi chải lần đầu được tổ chức tại hồ Tây cùng số lượng đội tham dự. Năm nay, lễ hội có sự tham gia tranh tài của 27 đội đến từ 7 quận, huyện của TP Hà Nội là: Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Sơn Tây và các CLB thuyền rồng của 4 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên với trên 400 vận động viên (VĐV) tham gia tranh tài ở 2 hạng mục: đua thuyền rồng tiêu chuẩn và đua thuyền rồng truyền thống. Mỗi hạng mục gồm 3 nội dung: nam, nữ và nam nữ phối hợp, thi đấu trên đường đua mặt nước cự ly 600 mét.

Cách khu vực sân khấu vài chục mét là điểm tập trung của VĐV và là nơi thuyền rồng của các đội xuất bến. Người dân đã đứng quây kín chờ đợi từ bao giờ. Khuôn mặt người lớn, trẻ nhỏ đều háo hức đón xem cuộc đua thuyền rồng trên hồ Tây - điều mà họ chưa thấy bao giờ.

Chị Nguyễn Thị Oanh, ngụ tại phố Trúc Bạch (Hà Nội) cho biết, hai mẹ con đang ăn sáng thì thấy mọi người tập trung đông nên vào xem, không ngờ có lễ hội bơi chải vui như vậy. Ông Trần Thanh Mẫn cùng bạn đi lễ ở đền Quán Thánh và chùa Trấn Quốc, thấy có hội cũng háo hức vào dự. Ông nói: “Bơi chải truyền thống thường diễn ra ở hội làng, mà không phải lúc nào cũng có cơ hội để xem. Vô tình chứng kiến các đội thi bơi chải ngay tại hồ Tây, tôi rất thích”.

Lễ hội bơi chải trên hồ Tây trở thành sự kiện hấp dẫn trong dịp đầu xuân năm mới.


Hôm nay, thời tiết chiều lòng người. Hơi sương mùa xuân lành lạnh, bảng lảng khiến mặt nước hồ Tây thêm phần lãng mạn. Nổi bật trong làn sương khói mờ ảo ấy là 4 làn đua được cắm mốc bởi những lá cờ nhiều màu sắc.

Trước khi cuộc đua bắt đầu là phần diễu hành trên mặt nước của các đội tham gia và màn trình diễn các môn thể thao dưới nước. Vỉa hè từ vườn hoa Lý Tự Trọng đến chùa Trấn Quốc người đứng chật như nêm. Những người đứng ở vòng ngoài cố gắng kiễng chân thật cao để xem màn trình diễn gay cấn. Khi VĐV lướt sóng Thuỳ Hồng thực hiện những màn rẽ nước mạo hiểm, đám đông ồ lên vỗ tay tán thưởng. Rất hiếm khi hồ Tây rộng lớn lại đông vui và nhiều tiếng cười như vậy...

Khi người nông dân trở thành vận động viên

Bơi chải thuyền rồng là một trong những môn thể thao truyền thống có từ rất lâu. Hằng năm, tại nhiều địa phương của Hà Nội vẫn tổ chức lễ hội bơi chải với sự tham gia của những vận động viên không chuyên. Họ là những người nông dân, bà nội trợ ngày thường tất tả việc đồng áng với nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng vào mùa lễ hội lại khoác áo truyền thống của VĐV lên thuyền thi bơi chải. Bơi chải là môn thể thao tập thể nên đòi hỏi tinh thần đoàn kết, sự hiểu nhau và đồng nhất trong động tác chèo, chỉ cần một người lỡ nhịp, con thuyền có thể lệch hướng.

VĐV Nguyễn Văn Vỹ (Sơn Tây).


Trao đổi với HNMO, chị Nguyễn Thị Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá và thể thao huyện Mỹ Đức cho biết, ngay khi hay tin TP Hà Nội tổ chức lễ hội bơi chải thuyền rồng mở rộng, các VĐV của huyện rất phấn khởi vì họ được tranh tài ở quy mô lớn hơn hội làng. Huyện Mỹ Đức đăng ký 2 đội tham dự, 1 đội nam và 1 đội nữ. VĐV bơi chải chủ yếu là những người nông dân thuần chất, trẻ nhất là 31 tuổi, lớn tuổi nhất là 55.

“Các VĐV đều là những người làm đồng áng, cứ vào mùa hội làng, họ lại tham gia bơi chải để bày tỏ tinh thần thể thao, gìn giữ nét truyền thống xưa. Thời điểm này đang mùa xuống đồng cấy lúa nhưng ngay khi biết thành phố tổ chức lễ hội bơi chải, bà con sẵn sàng gác lại việc cấy hái để tham gia. Dù thời gian tập luyện chỉ vài ngày nhưng bà con tham dự với tinh thần vui là chính”, chị Nguyễn Thị Thuyên chia sẻ.

Cũng với tinh thần “vui là chính”, đội bơi chải thị xã Sơn Tây có mặt tại hồ Tây từ 5h sáng. Dù ở lứa tuổi khác nhau nhưng các VĐV rất đoàn kết khi kết thành một đội ở trên thuyền. VĐV Nguyễn Văn Vỹ cho biết, dù đã có kinh nghiệm 5-6 năm tham gia bơi chải nhưng lần thử sức này khiến anh rất hồi hộp.

“Mọi năm, chúng tôi chỉ thi với các đội trong thôn, giờ thi đấu với các địa phương bạn, thậm chí ở tỉnh khác nên khá bồn chồn. Chúng tôi thường bảo nhau, trong bơi chải, khó nhất là lúc cua quay đầu, tất cả các thành viên phải phối hợp nhịp nhàng bẻ lái để khi quay về mới trở lại đường đua thẳng”, anh Vỹ tâm sự.

Kinh nghiệm của anh Vỹ quả có lý bởi ngay trong buổi thi, có không ít đội lúc bơi thuyền ở lượt đi “ngon lành” là vậy nhưng khi quay đầu cho lượt về lại chệch hướng mãi không thể trở lại đường đua. Đội thắng là đội không chỉ khoẻ tay chèo mà còn phải có chiến lược rõ ràng từ lúc xuất phát cho đến lúc cua quay đầu.

VĐV Trịnh Thị Thanh (Ba Vì) được các con, cháu đi theo cổ vũ.


Là một trong những đội về đích sớm ở lượt thi đấu đầu tiên, VĐV Trịnh Thị Thanh (đội nữ - huyện Ba Vì) vui sướng cho biết, dù lúc đầu có chút ngỡ ngàng vì lạ thuyền, lạ lái nhưng cả đội đã nương vào nhau trong mỗi nhịp chèo, nỗ lực đẩy thuyền thẳng hướng để về đích. Chị Thanh cho biết, dù có bận việc đồng áng nhưng cứ vào hội là chị và “ông xã” đều vào đội bơi chải của huyện để thi đấu.

Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2018 lần đầu tiên tổ chức tại hồ Tây với sự tham gia chủ yếu của những VĐV không chuyên. Có lẽ, điều này khiến cho lễ hội thêm phần hấp dẫn bởi chính sự hồn nhiên, chất phác của những người tham dự.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, lễ hội năm nay chủ yếu dành cho nhân dân tham dự nên không nặng tính ganh đua về chuyên môn. Tuy nhiên, từ những năm sau, Ban tổ chức sẽ mở rộng hơn những đội thi chuyên nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh, biến bơi chải hồ Tây thành hoạt động văn hoá, thể thao hấp dẫn du khách và là “đặc sản” của Hà Nội mỗi dịp đầu xuân năm mới.

Hoàng Quyên